“Vượt nắng, thắng mưa” trên các công trình

Nhóm P.V 16:15, 10/09/2023

Gần 4 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2023, đây được xem là thời điểm tăng tốc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, vừa nhằm hoàn thành tiến độ xây dựng, vừa đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của năm. Tuy nhiên, giai đoạn này, thời tiết nắng, mưa thất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của các dự án. Do đó, các nhà thầu và chủ đầu tư phải tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để “vượt nắng, thắng mưa”. 

Thi công 1 cống hộp thuộc Dự án Tuyến đường vành đai V qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang).
Thi công 1 cống hộp thuộc Dự án Tuyến đường vành đai V qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang).

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi những cơn mưa xối xả tạm ngưng được một vài ngày, chúng tôi có mặt trên nhiều công trình. Điều dễ dàng nhận thấy là không khí làm việc khẩn trương, tấp nập. Tất cả đều đang chạy đua với thời gian, để hoàn thành công trình đúng tiến độ, đạt chất lượng.

Tại mũi thi công cống hộp thuộc gói thầu số 01 Dự án Tuyến đường vành đai V qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang), do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải phụ trách, chúng tôi chứng kiến các kỹ sư, công nhân đang phải dùng máy bơm để rửa sạch bùn đất và múc từng gầu nước đổ đi, do một lượng lớn bùn đất đã bị sạt xuống trong những trận mưa to trước đó.

Anh Nguyễn Thế Công, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, cho biết: Việc thi công trong mùa mưa tại các công trường luôn là điều không đơn giản. Tuy nhiên, để khắc phục những yếu tố bất lợi của thời tiết, chúng tôi đã chủ động sắp xếp công việc sao cho “trôi” nhất. Những ngày mưa, anh em sẽ gia công sắt thép trong lán trại, khi trời tạnh thì làm ngoài trời. Vào ngày nắng nóng, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, buổi sáng, chúng tôi làm sớm, nghỉ sớm; chiều đến, làm muộn, nghỉ muộn. Vì thế, tiến độ công việc đến nay vẫn đảm bảo kế hoạch, để Dự án hoàn thành vào cuối tháng 4-2024.

Còn theo anh Lê Đức Thiện, Chỉ huy trưởng Gói thầu của Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng - đơn vị đảm nhận thi công 30,6km (từ nút giao Yên Bình đến giáp huyện Đại Từ) Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc: Công trình đang trong giai đoạn thi công phần đào đắp nền nên trong tháng 7 và 8, do trời mưa liên tục nên chúng tôi đã tranh thủ phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiến hành giải tỏa mặt bằng. Cùng với đó, những hôm thời tiết không thuận lợi, chúng tôi cho thi công những công trình phụ trợ, như đúc cấu kiện, gia công ván khuôn, cốt thép. Những ngày gần đây, khi nền đất đã cứng, tất cả các đơn vị thi công đều tăng cường thêm thiết bị, máy móc, tập kết vật liệu, vật tư, liên tục làm 2-3 ca, để bù lại phần việc đã bị chậm, nhằm đảm bảo kế hoạch đã đăng ký với chủ đầu tư. Hiện, Gói thầu đã đạt khoảng 30% tổng khối lượng công việc.

Tính đến đầu tháng 9, Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đã hoàn thành khoảng 70% phần nền đường.
Tính đến đầu tháng 9, Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đã hoàn thành khoảng 70% phần nền đường.

Tương tự, tại công trình cầu Huống Thượng thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên, không khí lao động cũng hết sức khẩn trương nhằm sớm hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để bàn giao công trình vào cuối tháng 9.

Ông Phạm La Thăng, Đội trưởng Đội thi công của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 (LICOGI 18), cho biết: Từ cuối tháng 8 trở lại đây, chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng, làm việc liên tục 3 ca, với 4 mũi thi công, vừa thảm, vừa hoàn thiện, để bù tiến độ cho những hôm phải nghỉ. Hồ sơ thanh quyết toán làm đến đâu, chúng tôi được giải ngân đến đó nên việc thực hiện gói thầu của đơn vị khá thuận lợi.

Một dự án khác chúng tôi cũng muốn nhắc đến là Sân vận động Thái Nguyên do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Tranh thủ những ngày nắng ráo vừa qua, đơn vị thi công là Công ty LICOGI 13 đã huy động hàng chục máy móc, thiết bị để thi công.

Ông Trịnh Thanh Giang, Chỉ huy trưởng nhà thầu Dự án, cho biết: Thời gian này có nhiều ngày mưa, khiến mặt bằng lầy lội, thiết bị không hoạt động được hết công suất. Do đó, khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi bổ sung lực lượng, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.

Tranh thủ những ngày nắng, các nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Sân vận động tỉnh.
Tranh thủ những ngày nắng, các nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Sân vận động tỉnh.

Dự án Sân vận động Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 536 tỷ đồng, diện tích phải giải phóng mặt bằng gần 14ha, với 94 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, cơ bản các phần việc đang được triển khai đúng tiến độ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số công trình, dự án trọng điểm khác, như: Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh; Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc… không khí lao động cũng hết sức khẩn trương. Khắc phục những yếu tố bất lợi của thời tiết, các nhà thầu đã huy động tối đa máy móc, nhân lực, thiết bị để đảm bảo tiến độ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của một số chủ đầu tư, nhiều dự án vẫn gặp một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên việc thi công phải thực hiện theo kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là có mặt bằng đến đâu thi công đến đó nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Chính vì thế, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng rất cần được chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, vì đây là một trong những yếu tố quyết định việc dự án có về đích đúng kế hoạch hay không…

Giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm công vụ

Việc triển khai các công trình, dự án, nhất là những công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo xung lực mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo ra diện mạo mới, tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh.

Chính vì thế, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cũng như giải ngân vốn đầu tư công luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm. Tại các phiên họp của UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng luôn nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc giải ngân nguồn vốn này.

Mới đây nhất, ngày 31/8/2023, tại Công văn số 4441/UBND-KT về báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. UBND tỉnh sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2023 đạt dưới 50%.

Còn tại Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, cuối tháng 8 vừa qua, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023, trong đó điều chỉnh tăng kế hoạch vốn thêm 47 tỷ đồng (từ 8.092,7 tỷ đồng lên 8.140 tỷ đồng); đồng thời điều chỉnh giảm 154 tỷ đồng của các dự án đã hết nhiệm vụ chi, dự án giải ngân thấp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn, sang cho các dự án khởi công mới năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

Tính đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân của tỉnh ước đạt trên 3.492 tỷ đồng, bằng 44,4% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 40,5% kế hoạch vốn do địa phương giao. Thái Nguyên đặt mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ nay đến tháng 10, Sở sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh nguồn vốn từ những dự án không có khả năng giải ngân hết vốn sang cho những dự án đảm bảo khả năng giải ngân, để làm sao đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các dự án.