Phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Văn Hiến (Thực hiện) 11:20, 10/09/2023

Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) định cư ở cả 9 huyện, thành trong tỉnh. Trong đó, một số khu vực miền núi, vùng cao có đồng bào DTTS chiếm đa số. Việc đầu tư nguồn lực để phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS đã, đang được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thái Nam, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, về những kết quả trong công tác chăm lo cho đồng bào DTTS từ đầu nhiệm kỳ đến nay…

UBND tỉnh đã đầu tư nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Ảnh CTV.
UBND tỉnh đã đầu tư nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Ảnh CTV.

P.V: Xin đồng chí cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thái Nam: Quán triệt sâu sắc quan điểm “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị” nên ngay sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XX, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 14/7/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.  

Từ đó, HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết có tác động tích cực, trực tiếp hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng có điều kiện khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 02/12/2021, về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, trong đó phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, UBND 9 huyện, thành tham mưu thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hiểu và nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nội dung Nghị quyết số 04-NQ/TU...

P.V: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thái Nam: Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong cuộc sống của đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% số xóm có đường ô tô và được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh; 100% xã có trạm y tế, trong đó có trên 90% trạm có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã vùng DTTS có trình độ cao đẳng, đại học đạt 92,4%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm nhanh (năm 2022, giảm 3,21%).

Tính đến tháng 6 năm 2023, toàn tỉnh có 82% số xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 2 huyện thuộc vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới...

Cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn bám sát cơ sở để tuyên truyền chính sách, pháp luật tới người dân ở vùng đồng bào DTTS. Ảnh T.L
Cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn bám sát cơ sở để tuyên truyền chính sách, pháp luật tới người dân ở vùng đồng bào DTTS. Ảnh T.L

P.V: Xin đồng chí cho biết những khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU?

Đồng chí Nguyễn Thái Nam: Việc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ở một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mực, hầu hết triển khai thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ chuyên môn của địa phương, đơn vị.

Một số văn bản của các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn chưa kịp thời, chưa cụ thể dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Kinh tế ở một số vùng đồng bào DTTS còn khó khăn, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều. Công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả nhất định nhưng chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS mặc dùng đã giảm nhưng vẫn còn cao...

P.V: Những khó khăn đó sẽ được giải quyết như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thái Nam: Để khắc phục những khó khăn, hạn chế như đã nêu, tỉnh Thái Nguyên đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác dân tộc; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tại địa phương trong thực hiện công tác dân tộc và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!