Thời gian qua, HĐND tỉnh luôn quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát (GS). Không chỉ tổ chức GS những nội dung thường kỳ về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cư tri; GS lại những nội dung đã được HĐND tỉnh kiến nghị, HĐND tỉnh còn thực hiện các cuộc GS tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đồng chí Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, phát biểu tại Hội nghị thông báo kế hoạch giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022. |
Năm 2023, HĐND tỉnh đã tổ chức 1 cuộc GS chuyên đề quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc GS, trong đó có 2 cuộc GS kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 10, 13; 1 cuộc GS chuyên đề kết quả thực hiện một số kiến nghị tại nghị quyết GS chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị GS của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh khoá XIV.
Ngoài GS chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh còn thực hiện GS thường xuyên tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp thông qua việc xem xét, cho ý kiến đối với nội dung các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.
Các ban của HĐND tỉnh cũng lựa chọn nhiều nội dung được đông đảo cử tri quan tâm để GS như: Thực hiện Nghị quyết số 196/NQ-HĐND về Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2021-2025; tình hình dân cư sinh sống ở nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, có nguy cơ xảy ra thiên tai cần phải bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến nay; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Sau GS, các ban của HĐND tỉnh đã xây dựng báo cáo chỉ rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có các giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Kết quả GS và kiến nghị của các ban HĐND tỉnh là căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, nghiên cứu và ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Ban Kinh tế - Ngân sách khảo sát một số nội dung đề nghị bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất. |
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Riêng đối với hoạt động GS chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu đoàn GS nghiên cứu sâu các quy định của pháp luật, đặc biệt các bộ luật, luật chuyên ngành, tổ chức thảo luận để hiểu đúng, đầy đủ về nội dung GS. Thực hiện khảo sát sâu, khảo sát vụ việc cụ thể trước khi tổ chức GS. Hoạt động GS phải được tiến hành đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng nguyên tắc “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”. Kết luận, kiến nghị GS cụ thể và phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, GS kết quả thực hiện kiến nghị sau GS.
Đơn cử như việc GS chuyên đề công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh, Đoàn GS đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Một số cơ sở y tế thiết lập và tổ chức cụm lưu trữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo yêu cầu. Một số xã chưa thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (2 xã của huyện Đồng Hỷ, 6 xã của huyện Võ Nhai, 5 xã của huyện Phú Lương).
Môi trường không khí xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị tại một số thời điểm có hàm lượng bụi vượt giới hạn cho phép như: Khu dân cư gần Cụm công nghiệp An Khánh; xóm 6, xã Hà Thượng (Đại Từ); Mỏ than Khánh Hòa, Mỏ sắt Trại Cau…
Từ những hạn chế nêu trên, sau GS, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Khẩn trương nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc tiếp nhận, vận hành quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu dân cư, khu đô thị để bàn giao về địa phương quản lý theo phân cấp đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện…
Theo đánh giá của HĐND tỉnh, nhiều ý kiến kéo dài qua nhiều kỳ họp và một số ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.
Cuối tháng 10-2023, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức GS chuyên đề và phiên giải trình về kết quả thực hiện kiến nghị tại nghị quyết GS chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị GS của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh.
Căn cứ vào các nội dung kiến nghị và kết luận GS của HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ. UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, cơ quan tư pháp căn cứ vào nội dung các kiến nghị tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc đối với các kiến nghị.
Cụ thể, có 69/81 kiến nghị, kết luận đã được UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết xong và đưa vào nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, bằng 85%; 12/81 kiến nghị, kết luận đang được giải quyết. Đối với các cơ quan tư pháp, số kiến nghị giải quyết xong là 14/16 kiến nghị bằng 87,5%; 2/16 kiến nghị đang được tích cực giải quyết theo quy định.
Kết quả đó cho thấy, trên cơ sở GS, Thường trực HĐND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung đối với UBND tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, góp phần đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin