Kinh doanh ế ẩm, tiểu thương chật vật mưu sinh

Hạ Liên 10:44, 03/01/2024

Tình trạng hàng quán ế ẩm ngay cả trong dịp cuối năm đang phổ biến ở khắp các địa phương trong tỉnh. Kinh doanh ế ẩm khiến nhiều tiểu thương như "ngồi trên đống lửa" với nỗi lo tồn đọng vốn, không có nguồn thu nhập. Nhiều người bày tỏ hy vọng tình trạng thắt chặt chi tiêu sẽ dần được cải thiện trong những ngày giáp Tết.


Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng các cửa hàng kinh doanh đồ trang trí vẫn ít khách đến mua.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng các cửa hàng kinh doanh đồ trang trí vẫn ít khách đến mua.

Bà Nguyễn Thị Hiền, một tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Khu Nam (phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) ngao ngán: Năm nay, việc buôn bán còn khó khăn hơn cả thời COVID-19. Nhà nhà thắt chặt chi tiêu, trong khi hàng quán "mọc lên" ngày càng nhiều, khiến nhiều hộ kinh doanh càng thêm ế ẩm. So với những năm trước, thu nhập của tôi giảm khoảng một nửa. 

Cũng trong tình trạng ế ẩm, anh Trần Hữu Thụ, chủ một cửa hàng cây cảnh ở TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Khoảng từ giữa tháng 12 năm ngoái, người mua bắt đầu "nhúc nhắc" đi xem cây để chuẩn bị cho Tết. Trung bình mỗi ngày tôi bán được 2-3 triệu đồng tiền hàng. Có hôm được 5-7 triệu đồng, nhưng cũng chỉ đủ chi phí điện, nước, phân bón và một số khoản khác. Còn thời gian trước đó, cửa hàng gần như không có khách.

Đối với một số mặt hàng như quần áo, giày dép, chăn ga gối đệm, nhờ những ngày rét đậm, rét hại cuối tháng 12 vừa qua nên số lượng người đi sắm đồ mùa Đông tăng đáng kể, bù đắp phần nào cho sự ế ẩm trước đó.

Chị Lưu Thanh Huyền, một tiểu thương kinh doanh chăn ga trên đường Cách mạng Tháng Tám (TP. Thái Nguyên) cho biết: Mấy ngày rét đậm, cửa hàng của tôi bán được 20-30 cái chăn, ga/ngày. Nếu như năm trước, mỗi chiếc chăn lông cừu tôi bán được với giá 450-500 nghìn đồng, thì năm nay chỉ có giá 350-400 nghìn đồng. Tính ra mỗi chiếc chăn tôi chỉ lãi trên dưới 50 nghìn đồng, bằng một nửa so với trước, đó là chưa kể đến chi phí vận chuyển, hàng tồn, đọng vốn. Một tuần trở lại đây, thời tiết ấm lên, hàng hóa lại rơi vào tình trạng khó bán.

Còn anh Trần Đại Minh, chủ một cửa hàng ăn uống trên đường Minh Cầu (TP. Thái Nguyên) cho hay: Để khắc phục tình trạng ế ẩm, tôi bán cả đồ ăn thông qua Zalo, Facebook. Nếu như trước đây, đơn hàng phải từ 300 nghìn đồng trở lên tôi mới nhận ship, thì trong năm 2023, tôi chấp nhận cả đơn từ 100 nghìn đồng và vẫn miễn phí vận chuyển để tạo việc cho nhân viên, cũng như thu hút khách hàng.

Thời gian qua, hầu hết các mặt hàng đều ế ẩm, kể cả lương thực, thực phẩm.
Thời gian qua, hầu hết các mặt hàng đều ế ẩm, kể cả lương thực, thực phẩm.

Khi tìm hiểu về nguyên nhân hàng hóa ế ẩm, chúng tôi nhận được câu trả lời chung của các tiểu thương và người dân là thu nhập của phần lớn người lao động bị giảm đáng kể, nên hầu hết các gia đình áp dụng chính sách tiết kiệm, chỉ mua những đồ dùng thực sự thiết yếu. 

Chị Lê Thị H., một nhân viên kế toán, bộc bạch: Năm nay, đơn vị của tôi báo lỗ khá lớn. Thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt 7,5-8 triệu đồng/tháng, thấp hơn khoảng 20% so với năm 2022. Trong khi đó, tiền học của con ngày càng nhiều, trung bình 2,5-3 triệu đồng/tháng, nên tôi đã phải cắt giảm nhiều khoản chi. Đơn cử như thay vì cho con ăn sáng bên ngoài như trước, nay gia đình tôi ăn ở nhà; thức ăn hàng ngày tôi cũng chỉ mua đủ dùng; quần áo, giày dép không sắm thêm nếu thấy vẫn đủ dùng...

Theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới, trong nước cũng như trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Do đó, việc mỗi người chủ động tìm các giải pháp thích ứng trong hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng như chi tiêu là điều hết sức cần thiết để mỗi cá nhân, gia đình không chỉ vững vàng vượt qua được khó khăn, mà cao hơn là để có sự ổn định, phát triển, phù hợp với xu thế chung của xã hội...