Từng bước làm tốt mục tiêu “Hành chính phục vụ” trong lĩnh vực đất đai

17:14, 29/07/2019

Công tác quản lý đất đai nói chung, hoạt động cấp quyền sử dụng đất, tách, nhập thửa, chuyển nhượng đất… nói riêng luôn được dư luận quan tâm vì ảnh hưởng thường xuyên, sát sườn tới người dân. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm của Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh. Để hiểu rõ những giải pháp gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ trước khối lượng công việc ngày càng lớn và nhiều khó khăn, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh.

P.V: Trước hết, ông hãy cho biết những ưu điểm khi VPĐKĐĐ hoạt động theo mô hình một cấp?

Ông Nguyễn Thế Hoàn: VPĐKĐĐ tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, được thành lập và hoạt động theo mô hình một cấp từ tháng 4-2016 trên cơ sở hợp nhất văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại 9 huyện, thành phố, thị xã với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh.

Việc hoạt động theo mô hình một cấp có rất nhiều ưu điểm như: Luôn có sự thống nhất cao về chuyên môn và đúng quy định của pháp luật trên toàn tỉnh; các thủ tục được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý; cơ sở dữ liệu địa chính được cập nhật đầy đủ; hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, đảm bảo đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm và thể hiện tính chuyên nghiệp hơn; đội ngũ cán bộ trong hệ thống văn phòng đăng ký một cấp được điều động, sử dụng linh hoạt để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn luôn đạt trên 99%… Điều này khó triển khai khi thực hiện theo mô hình cũ.

P.V: Được biết, do nhiều nguyên nhân, quá trình hoạt động của VPĐKĐĐ đã và đang gặp không ít khó khăn. Vậy cụ thể những khó khăn đó là gì, do đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Hoàn: Đúng là hệ thống VPĐKĐĐ đất đai đang gặp khá nhiều khó khăn, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Đầu tiên là việc thiếu biên chế, thiếu nhân sự. Hiện nay, toàn bộ VPĐKĐĐ và 9 chi nhánh chỉ có 64 biên chế (trong tổng số 195 cán bộ, viên chức và người lao động), một số chi nhánh có quá ít biên chế (điển hình như Chi nhánh Đồng Hỷ và Chi nhánh Định Hóa đều chỉ có 3 biên chế). Trong khi đó, khối lượng hồ sơ cần giải quyết ngày càng lớn (năm 2018 tiếp nhận 106.539 hồ sơ, 6 tháng đầu năm 2019 tiếp nhận 48.280 hồ sơ). Vì vậy, từ lãnh đạo đến viên chức, người lao động của đơn vị thường xuyên phải làm thêm vào các buổi tối và ngày nghỉ, trung bình mỗi người chỉ nghỉ 0,5 ngày/tuần.

Cùng với đó, cơ sở vật chất vừa thiếu lại vừa yếu. Nhiều máy móc, thiết bị đã cũ, hết khấu hao. Phòng làm việc tại một số chi nhánh chật hẹp, kho lưu trữ không có hoặc phải sử dụng chung với kho lưu trữ của phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nên khó bảo đảm an toàn cho quản lý và khai thác, cập nhật hồ sơ theo quy định.

Ngoài ra còn một số khó khăn khác, như: Việc giải quyết các thủ tục liên quan đến phòng tài nguyên - môi trường và chi cục thuế cấp huyện đôi lúc còn chậm, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ; số hồ sơ tiếp nhận từ UBND cấp xã phải trả lại nhiều do sai sót; việc sử dụng đất của người dân có nhiều biến động như chủ sử dụng tự ý thay đổi ranh giới, tự ý chuyển mục đích hoặc đổi đất cho nhau… làm sai lệch hồ sơ địa chính và giấy chứng nhận đã cấp…

P.V: Có thể nói đó là những khó khăn rất đáng kể, vậy đơn vị có những giải pháp chủ yếu gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Hoàn: Trong khi chờ được bổ sung biên chế nói riêng và đội ngũ nhân lực nói chung, trước mắt chúng tôi thường xuyên bố trí làm thêm giờ, xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ một cách chi tiết, khoa học. Nâng cao chất lượng đội ngũ về chuyên môn và trách nhiệm trong giải quyết công việc bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức đi học, thường xuyên kiểm tra, giám sát công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất.

Để cải thiện cơ sở vật chất, VPĐKĐĐ có nhiều giải pháp tiết kiệm chi, huy động các nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, như: Máy vi tính, máy quét, máy in, máy photo, máy toàn đạc điện tử... Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng thiếu phòng làm việc, kho lưu trữ tại các chi nhánh không đảm bảo, chúng tôi tích cực làm việc, đề nghị các huyện, thành, thị quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện. Vì vậy, một số chi nhánh đã được bố trí thêm phòng làm việc và kho, có chi nhánh được bố trí quỹ đất để chuẩn bị xây mới. Cùng với đó, việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính luôn được Văn phòng quan tâm, đảm bảo nguyên tắc đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, minh bạch. Văn phòng chủ động xây dựng các quy chế phối hợp, tích cực trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan để cùng tháo gỡ khó khăn…

P.V: Cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Ông hãy cho biết, VPĐKĐĐ tỉnh thực hiện công tác này như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Hoàn: Tôi khẳng định, cải cách thủ tục hành chính về đất đai luôn được Văn phòng coi là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong những năm qua. Văn phòng đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo công khai, minh bạch, ổn định. Đồng thời tích cực tham mưu, phối hợp rà soát và xây dựng quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định chưa phù hợp, gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Chúng tôi cũng lập hòm thư góp ý, niêm yết công khai 100% thủ tục hành chính, công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, như tôi đã nói ở trên, việc kiểm tra, giám sát công vụ luôn được Văn phòng tiến hành thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ, chuyên viên nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Qua đó từng bước thực hiện tốt mục tiêu “Hành chính phục vụ”.

P.V: Xin cảm ơn ông!