“Hát Then, đàn Tính đã ngấm vào huyết quản của tôi”

14:32, 14/10/2019

Trong đợt xét danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, “Nghệ nhân Nhân dân” lần thứ II năm 2019, ông Lưu Xuân Lai, ở xóm Đồng Uẩn, xã Phúc Chu (Định Hóa) trở thành người đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” với di sản phi vật thể đang nắm giữ thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trò chuyện với ông về những tâm huyết, trăn trở trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian. 

P.V: Trước hết, xin chúc mừng ông về vinh dự cao quý mà Chủ tịch nước đã phong tặng. Ông có thể chia sẻ một chút cảm xúc của mình vào lúc này?

Ông Lưu Xuân Lai: Quả thực tôi rất xúc động khi là người đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”. Đó là ghi nhận, động viên rất lớn của Đảng và Nhà nước; cũng là sự tin tưởng của cộng đồng dành cho cá nhân tôi. Tôi luôn tâm niệm, còn sức khỏe bao nhiêu thì sẽ tiếp tục cống hiến để truyền lại những tinh hoa, nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình.

P.V: Hơn 30 năm tham gia trình diễn các điệu hát Then, đàn Tính, điều gì khiến ông  gắn bó với loại hình nghệ thuật dân gian này suốt chừng đó thời gian?

Ông Lưu Xuân Lai: Tôi là người dân tộc Tày, ngay từ khi còn nhỏ đã theo chân ông nội đi xem lễ cúng nên những làn điệu Then đã ngấm vào huyết quản lúc nào không hay. Năm lên 10, tôi bắt đầu học hát Then. Với sự truyền dạy của ông nội và các cụ cao niên trong thôn nên tôi sớm hát thành thạo hầu hết làn điệu Then cổ. Tham gia kháng chiến chống Mỹ rồi xuất ngũ năm 1982, trở về địa phương tôi tiếp tục tìm gặp những cụ cao niên trong thôn, trong xã và các xã lân cận để sưu tầm các làn điệu Then, cũng như tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tham gia biểu diễn Then cổ trong các hội diễn nghệ thuật truyền thống trong và ngoài tỉnh; truyền dạy hát Then cho các thế hệ con cháu, với tôi đó là sự đam mê và trách nhiệm. Đó là lý do tôi luôn gắn bó với nghệ thuật dân gian này. 

P.V: Như trên có đề cập, những năm gần đây ông thường xuyên tham gia các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính. Ông thấy sự quan tâm của mọi người, nhất là giới trẻ như thế nào đối với lĩnh vực nghệ thuật dân gian?

Ông Lưu Xuân Lai: Mỗi năm tôi tham gia dạy từ 5-7 lớp hát Then và đang tổ chức một lớp ở xã Lam Vỹ (Định Hóa). Điều đáng mừng là bà con rất quan tâm, hứng thú theo học. Có người còn bảo tôi rằng: “Ông tích cực, tâm huyết thế này chúng tôi phấn khởi quá. Không có những người như ông thì cộng đồng mất hết bản sắc dân tộc”. Nhiều cháu học sinh hết giờ lên trường lại chạy ngay sang lớp học hát Then. Chính vì vậy, số người thực tế theo học luôn cao hơn quy mô đăng ký ban đầu. Như lớp ở Lam Vỹ tôi đang dạy, đăng ký ban đầu là 20 người nhưng thực tế có tới 37 học viên. Sau 15 ngày, học viên có thể thành thạo vừa đàn và hát 2 bài, cùng một số kỹ năng quan trọng khác. Sự ham học hỏi của mọi người là động lực giúp tôi thêm tâm huyết với công việc. 

P.V: Vậy trong quá trình truyền dạy, điều khiến ông trăn trở nhất là gì ?

Ông Lưu Xuân Lai: Quả thực tôi cũng có trăn trở nhất định. Đó là kinh phí tổ chức các lớp học còn eo hẹp, bà con đi học được hỗ trợ một chút kinh phí gọi là sách bút nhưng không đáng kể. Bản thân tôi cũng phải chủ động đi xe máy, có nơi xa đến hơn 20km. Dù được phong danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” và giờ là “Nghệ nhân Nhân dân” nhưng tôi chưa có bất kỳ trợ cấp nào liên quan đến danh hiệu. Băn khoăn nhất là nhu cầu học của bà con dân tộc Tày trên địa bàn khá lớn (riêng năm 2019 là 9 lớp), trong khi chỉ có một mình tôi đảm nhận công việc này. Năm nay tôi đã 73 tuổi, cũng lo sức khỏe đôi lúc không đảm bảo để đảm trách hết tất cả các lớp học. 

P.V: Dưới góc nhìn của một nghệ nhân tâm huyết, ông nghĩ cần có những chính sách, cơ chế nào để gìn giữ và phát triển các hình thức nghệ thuật dân gian, trong đó có hát Then, đàn Tính?

Ông Lưu Xuân Lai: Tôi mong có nhiều sân chơi, chương trình mang đậm tính giao lưu, trao đổi về nghệ thuật dân gian bài bản hơn là những buổi mang tính hình thức, cóp nhặt chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền cần quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính. Đó là cơ sở để các câu lạc bộ duy trì, tìm được nhân tố thực sự tâm huyết, đam mê với nghệ thuật dân gian. Một đề xuất nhỏ nữa là có nguồn trợ cấp dù nhỏ thôi đối với những người đã được phong tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” và đầu tư mở nhiều hơn các lớp truyền dạy lại. Bởi tôi thấy hầu hết nghệ nhân dân gian đều đã cao tuổi, đời sống còn khó khăn nhất định, việc hỗ trợ về vật chất giúp chúng tôi thêm yên tâm, có thể dành hết tâm huyết để truyền dạy những tinh túy, nét đẹp văn hóa dân gian cho thế hệ con cháu về sau.