Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có trên 1.000 trận thiên tai các loại, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có nhiều công trình xây dựng bị sập, tốc mái hoặc cuốn trôi. Do vậy, cùng với ứng phó, bảo vệ tính mạng người dân, chính quyền địa phương cần thực hiện ngay các phương án bảo vệ công trình xây dựng.
Cơn bão số 1 (bão Talim) vừa qua, dù suy yếu ngay khi vào đất liền nhưng cũng đã làm ít nhất 1 người chết, 3 người bị thương, hơn 160 ngôi nhà bị sập và hư hỏng. Ngoài ra, bão số 1 còn khiến hàng trăm cống thoát nước, kênh mương và điểm giao thông bị sạt lở, cuốn trôi. Theo dự báo, ngay sau bão số 1, nhiều khả năng sẽ có bão số 2 đổ bộ vào đất liền…
Để bảo vệ hiệu quả các công trình xây dựng, một loạt giải pháp đã được đưa ra. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ quan chuyên môn yêu cầu các địa phương kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước khu vực đô thị để chống ngập úng cục bộ khi mưa lớn; có biện pháp bảo vệ cây xanh, hệ thống điện và nước sạch cung cấp cho các vùng bị ngập úng.
Đối với các công trình đang khai thác, sử dụng, người dân, chủ sở hữu cần thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn trước mưa bão. Công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp gia cố kịp thời. Các công trình xây dựng tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo tới nhân dân.
Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, với những công trình đang xây dựng phải thực hiện ngay biện pháp đảm bảo an toàn công trình và công trình lân cận, nhất là đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao khác.
Với các công trình tháp viễn thông, truyền hình, cần phải có báo cáo về số lượng công trình, thời gian vận hành và vị trí xây dựng. Đối với các cột điện li tâm, bê tông cốt thép, cần phải đánh giá hiện trạng và có biện pháp giằng chống, gia cường để đảm bảo không bị nghiêng, đổ, gây mất an toàn…
Cùng với cả nước, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo vệ công trình xây dựng. Là tỉnh trung du, miền núi, Thái Nguyên dù không trực tiếp hứng chịu những trận bão đổ bộ, nhưng thường bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão, mưa lớn kéo dài gây lũ ống, lũ quét, ngập úng và sạt lở đất.
Trên địa bàn lại có nhiều dự án, công trình xây dựng quy mô lớn, trong đó không ít công trình đang trong quá trình thi công. Chính vì thế, tỉnh chỉ đạo đặc biệt lưu ý bảo vệ an toàn các khu nhà chung cư tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, các khu nhà tập thể công nhân và một số công trình công cộng tập trung đông người. Các chủ sở hữu, người quản lý, vận hành các công trình trên hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn hoặc sự cố.
Tỉnh cũng quan tâm các công trình công nghiệp, yêu cầu kiểm tra mức độ an toàn chịu lực, ổn định kết cấu của các công trình này. Các đơn vị khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng cần chủ động phương án sửa chữa, gia cố kịp thời trụ sở, nhà xưởng, kho tàng, nhà ở đảm bảo an toàn khi có mưa, bão.
Các công trình chuẩn bị thi công hoặc đang thi công, yêu cầu chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra biện pháp thi công, lý lịch của thiết bị thi công; kiểm tra việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị.
Riêng đối với các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đang thi công cần có kế hoạch tổ chức thi công, sớm hoàn thành các hạng mục, phần việc có nguy cơ mất an toàn nhất khi mưa, bão tới; có phương án chống ngập úng, khơi thông dòng chảy, kiểm tra gia cố các điểm xung yếu của hệ thống tiêu thoát nước, có biển cảnh báo an toàn nơi nguy hiểm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin