Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt kim ngạch xuất khẩu 47 tỷ USD, tăng trưởng cả giai đoạn (2021-2030) đạt 7%/năm. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi phải thật sự nỗ lực mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, điều lớn hơn mà tỉnh hướng tới trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa giai đoạn này chính là ưu tiên các sản phẩm lợi thế, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh.
Mục tiêu cụ thể mà tỉnh hướng tới là tăng tỷ trọng xuất khẩu linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử từ 94,6% năm 2022 lên 96% năm 2030. Trong ảnh: Sản xuất điện thoại di động tại Samsung Thái Nguyên. |
Là tỉnh có tiềm năng rất lớn về hàng hóa xuất khẩu, thời gian qua, Thái Nguyên đã từng bước phát huy khả năng, mở rộng thị trường. Từ chỗ chỉ đơn điệu một vài sản phẩm, số lượng ít, thị trường nhỏ, đến nay cả tỉnh đã có tới hàng chục mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu, mở rộng ra cả các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu.
Trước đòi hỏi thực tế cần phải có chiến lược lâu dài, bền vững về xuất khẩu, tỉnh xác định chú trọng phát triển xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm dệt may, chế biến nông sản…, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.
Mục tiêu cụ thể mà tỉnh hướng tới là tăng tỷ trọng xuất khẩu linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử từ 94,6% năm 2022 lên 96% năm 2030; nâng dần tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp, chế biến, công nghiệp nhẹ từ 1,6% lên 3,5%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu từ 17,9% lên 22% và thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ từ 39% lên 45%.
Để hoàn thành mục tiêu lớn đề ra, từ nay đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên xác định các sản phẩm xuất khẩu quan trọng, chủ lực cần tập trung đầu tư đó là: Nhóm sản phẩm công nghệ bao gồm linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử, vi mạch điện tử bán dẫn, các hệ vi cơ điện tử, thiết bị số; ưu tiên xuất khẩu hàng công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp, chế biến thực phẩm, đồ uống.
Nhóm sản phẩm nông, lâm sản là mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh phát triển theo hướng chế biến sâu, nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.
Hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm của các làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia xuất khẩu.
Nhóm sản phẩm khoáng sản, cần tạo điều kiện để chế biến sâu, khuyến khích doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, phát triển công nghệ chế biến, tăng sức cạnh tranh...
Tỉnh cũng xác định thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo ra các sản phẩm mới để xuất khẩu. Rà soát một số mặt hàng hiện tại chưa có kim ngạch hoặc kim ngạch xuất khẩu thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao như cây dược liệu, viên nén sinh khối, thịt gia cầm... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đa dạng hàng hóa, tạo các chuỗi quan hệ, hợp tác mới để không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể.
Đối với thị trường các nước ASEAN, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản thế mạnh là chè, nấm, gỗ, cây dược liệu... Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường khác, tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng điện tử, gỗ, dệt may…
Với thị trường châu Âu, tỉnh tập trung xuất khẩu các mặt hàng điện tử, nông, lâm sản, dệt may, đồ gỗ, khoáng sản chế biến tinh, dụng cụ cầm tay, kim khâu, dao mổ y tế, găng tay, sản phẩm may mặc.
Với thị trường châu Mỹ, Thái Nguyên sẽ tập trung xuất khẩu các mặt hàng gỗ, dệt may, giấy... Và với các nước khu vực Mỹ La-tinh, tỉnh thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng điện tử, thiết bị y tế, khoáng sản chế biến tinh, dệt may, sản phẩm từ gỗ.
Như vậy, với chiến lược dài hạn này, tỉnh Thái Nguyên đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu, trên cơ sở tăng trưởng xanh, bền vững, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực và vùng Thủ đô vào năm 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin