Gần đây, vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm thương vong nhiều người đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở khu vực đông dân cư, nhà ở cao tầng. Các chuyên gia cho rằng, công tác quản lý, phòng ngừa cháy nổ đang chạy theo sự vụ mà thiếu tính chủ động trong PCCC từ sớm, từ xa, từ lúc còn là nguy cơ.
Hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn để đảm bảo an toàn phòng cháy. Ảnh T.L |
Hẳn chúng ta còn nhớ vụ cháy quán karaoke thảm khốc ở Bình Dương làm 33 người thiệt mạng vào đầu tháng 9 năm 2022. Sau vụ hỏa hoạn thương tâm đó, theo chỉ đạo, cả nước tổ chức rà soát, kiểm tra công tác PCCC của tất cả các quán karaoke, từ đó phát hiện và đóng cửa hàng loạt quán không đảm bảo yêu cầu.
Rồi cũng trong năm 2022, không ít vụ cháy nhà xảy ra tại các ngõ hẻm ở một số thành phố lớn khiến cho hoạt động chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này, các địa phương lại tập trung chỉ đạo kiểm tra, có phương án PCCC ở các khu phố mà đường vào nhỏ hẹp...
Trong khi đó, thực tế cho thấy tất cả những trường hợp hỏa hoạn này có thể cảnh báo từ sớm và có phương án xử lý từ đầu để giảm tối đa nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Sau vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, có lẽ các nhà quản lý đã thực sự thấm thía và nhận ra rằng không thể cứ “mất bò mới lo làm chuồng”, bị động chạy theo “sự đã rồi” mãi được.
Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các khu vực, vị trí có nguy cơ cháy nổ cao, không riêng gì chung cư mi ni, nhà ở cao tầng. Về phía tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn ở cấp độ cao hơn, rộng hơn với mục tiêu có thể kiểm soát tất cả các nguy cơ cháy nổ trên địa bàn.
Công an tỉnh và lực lượng liên ngành được giao tổ chức rà soát, lập danh sách, kiểm tra không chỉ nhà ở chung cư mini tự phát mà còn tại các khu nhà trọ có mật độ người ở đông, nhà ở nhiều căn hộ và các cơ sở dễ xảy ra cháy nổ như: Karaoke, quán bar, vũ trường, nơi tập trung đông người. Từ đó kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nguy cơ mất an toàn về PCCC, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định.
Tỉnh cũng yêu cầu lực lượng chuyên môn tăng cường xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với loại hình nhà chung cư, nhà cao tầng, chung cư mini... Tổ chức huấn luyện thành thạo cho người dân sử dụng thiết bị phá dỡ, cắt lưới thép, “chuồng cọp”, cứu người bị nạn từ trên cao, chiến thuật chữa cháy các đám cháy trong ngõ hẻm mà xe chữa cháy không thể tiếp cận.
Ngoài ra, tỉnh cũng giao cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, nghiệm thu đối với các công trình theo thẩm quyền, đặc biệt là các chung cư mi ni, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ có mật độ người ở đông, các công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về xây dựng đối với các công trình có nguy cơ cháy nổ cao, tập trung đông người. Không cấp phép, nghiệm thu các công trình chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
Các địa phương trong tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, vận động người dân không làm lồng sắt, khung sắt dạng “chuồng cọp”, chủ động mở các lối thoát nạn thứ 2 như: Qua ban công, lên mái, sang nhà kế bên, sử dụng thang dây, ống tụt... để thoát nạn khi cần thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin