Di dời cơ sở nhà đất ra khỏi nội thị

Nguyễn San 17:26, 24/08/2023

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định di dời đợt 1 đối với 9 cơ sở nhà đất không còn phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô. Trong đó, đáng chú ý có những cơ sở sản xuất, kinh doanh có tuổi đời lên tới hàng trăm năm với diện tích đất sở hữu hàng chục héc ta. Tiền lệ tích cực này của Thủ đô sẽ là cơ sở để các địa phương khác, trong đó có Thái Nguyên, mạnh dạn sắp xếp, bố trí lại nhà đất nội thị.

Theo các chuyên gia, việc di dời cơ sở nhà đất giữa lòng Thủ đô không phải đơn giản. Chắc chắn Hà Nội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với tầm nhìn chiến lược, tổng thể trong quy hoạch và một quyết tâm rất cao mới có thể di dời được các cơ sở nhà đất mà giá trị của nó khó có thể đong đếm.

Điều đáng nói là, không phải di dời các cơ sở này để mở rộng thêm dân cư, kinh doanh thương mại hay mục đích ngắn hạn nào mà theo quy hoạch được duyệt, một số khu đất sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, trường học, cây xanh, bãi đỗ xe, đường quy hoạch…

Trong 9 cơ sở nhà đất di dời lần này, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, có diện tích lớn nhất (20ha), lại nằm ở khu vực trung tâm Thủ đô. Nhà máy thuộc quyền quản lý của Chi nhánh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - Liên hiệp sức kéo đường sắt.

Tiếp theo là Tổng kho xăng dầu Đức Giang, tại 26 phố Đức Giang, quận Long Biên, với diện tích gần 16ha. Số cơ sở còn lại cũng có diện tích từ hơn 1.000m2 trở lên.

Mặc dù quyết liệt trong di dời, nhưng Thủ đô cũng rất cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng, không nóng vội. Đối với các cơ sở có công trình thuộc diện bảo tồn, chính quyền đưa vào danh sách bảo vệ, gìn giữ theo quy định. Ví dụ như đối với Nhà máy bia Hà Nội, bên trong khuôn viên có một biệt thự cổ giá trị, thành phố đã đưa vào danh mục biệt thự bảo tồn… Thủ đô cũng đã ấn định, trong vòng 5 năm, kể từ khi phê duyệt danh mục, các cơ sở này phải di dời để sắp xếp, bố trí lại đất công theo quy định.

Nằm trong vùng Thủ đô, tỉnh Thái Nguyên cũng đang trên đà phát triển hạ tầng đô thị, nhất là đô thị trung tâm. Thời gian gần đây, tỉnh cũng đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ, mở ra một bước tiến mới, hiện đại hơn để thay đổi diện mạo đô thị của một tỉnh từng là “Thủ đô gió ngàn”.

Trong đó, đáng chú ý là quyết định di dời trụ sở một số cơ quan Nhà nước ra vị trí khác, nhường diện tích đủ lớn để thực hiện Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên trên cơ sở mở rộng Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Từ lâu, người dân Thái Nguyên luôn mong mỏi có một quảng trường xứng tầm, một khu đô thị thương mại trung tâm đủ lớn và một phố đi bộ hiện đại, văn minh.

Mong ước đó dần trở thành hiện thực bởi Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ đang được gấp rút triển khai với tổng diện tích 12,16ha, trong đó có 4 khu trung tâm gồm: Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Khu phố đi bộ; Trụ sở khối các cơ quan tỉnh và Khu nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại, văn phòng…

Đây được xem là bước đột phá lớn chưa từng có của đô thị Thái Nguyên. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, nội thị TP. Thái Nguyên vẫn còn không ít cơ sở nhà đất là nhà máy, xí nghiệp và đơn vị sản xuất cần được rà soát, đánh giá về tính phù hợp trong quy hoạch và phát triển đô thị. Nếu không còn phù hợp, cần phải có lộ trình di dời ra bên ngoài giống như Thủ đô Hà Nội.

Hy vọng, trong thời gian tới, với Quy hoạch tỉnh đã được duyệt cùng với sự quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đô thị Thái Nguyên sẽ ngày càng quy mô và hiện đại.