Kê khai hồ sơ bảo hiểm trung thực, đầy đủ: Quyền lợi đi đôi với trách nhiệm

10:37, 13/08/2021

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cam kết lâu dài, yêu cầu người tham gia cần hiểu rõ các điều khoản, quyền lợi và trách nhiệm của mình. Trong đó, kê khai thông tin trung thực, chính xác và đầy đủ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách bảo vệ quyền lợi của chính người mua bảo hiểm.

Ngày càng có nhiều người lựa chọn bảo hiểm là giải pháp tài chính hữu hiệu để dự phòng rủi ro. Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, hàng năm ngành bảo hiểm nhân thọ đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng bồi thường cho người tham gia bảo hiểm. Tuy vậy, thực tế cũng đã xảy ra không ít những trường hợp khó khăn, tranh chấp khi yêu cầu bồi thường quyền lợi bảo hiểm. Những tranh chấp đó chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách hàng kê khai thông tin thiếu trung thực, không đầy đủ ngay từ khi nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Minh bạch về tình trạng sức khỏe - yếu tố quan trọng khi kê khai hồ sơ yêu cầu bảo hiểm

Trong giai đoạn giao kết hợp đồng, thông tin mà doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm cung cấp có thể chia làm ba nhóm chính, gồm: thông tin về nhân thân; thông tin về sức khỏe; các thông tin liên quan khác. Trong đó, thông tin về sức khỏe là nhóm thông tin có khả năng sai sót cao nhất và cũng là lý do doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thanh toán quyền lợi bảo hiểm.

Điểm b khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ “kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm”. Theo một chuyên gia của Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam, đây là yếu tố pháp lý vô cùng quan trọng đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm và là cơ sở cho việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm sau này.

Đơn cử trường hợp của Chị H. (45 tuổi ở Hà Nội). Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ với một đơn vị bảo hiểm, chị đã không ghi lại tiền sử bệnh huyết áp có từ nhiều năm trước vì nghĩ bệnh trạng nay đã ổn định. Vài năm sau đó, chị bất ngờ bị tai biến và gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bệnh hiểm nghèo nhưng không được công ty bảo hiểm chấp thuận. Chị H. là một trong những trường hợp điển hình bị bảo hiểm từ chối chi trả quyền lợi do vi phạm trách nhiệm kê khai thông tin không chính xác, đầy đủ khiến hợp đồng bị xem là vô hiệu lực ngay từ ban đầu.

Ảnh minh họa

Lý do của kê khai sai, thiếu thông tin có thể rơi vào một trong các trường hợp: cố ý gian dối, người mua sơ suất bỏ quên hay khai báo qua loa do đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc kê khai…. Nhưng cho dù lý do được đưa ra là gì thì trong mọi trường hợp, bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho việc kê khai của mình.

Tuy vậy có một số ý kiến trái chiều cho rằng trách nhiệm xác định tình trạng sức khỏe và đánh giá rủi ro thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm khi đã thực hiện khám sức khỏe thẩm định đối với khách hàng. Giải đáp thắc mắc trên, vị chuyên gia cho biết, doanh nghiệp bảo hiểm không thực hiện khám sức khỏe thẩm định cho 100% khách hàng của mình. Việc chỉ định khám y khoa được đưa ra dựa trên những thông tin về tình trạng sức khỏe mà khách hàng cung cấp, và hoàn toàn độc lập với nghĩa vụ kê khai thông tin của khách hàng. Quy định này thường được đề cập trong Quy tắc và Điều khoản sản phẩm bảo hiểm.

Điều này đồng nghĩa với việc, bên mua bảo hiểm cần thực hiện nghĩa vụ khai báo trung thực cho dù doanh nghiệp bảo hiểm có chỉ định khám sức khỏe thẩm định hay không. Minh bạch trong kê khai hồ sơ không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc mà còn là cách làm đúng đắn, “thông minh” để bảo vệ quyền lợi của chính bên mua bảo hiểm.

Top 2 nhầm lẫn phổ biến nhưng tai hại khi kê khai bảo hiểm


Ảnh minh họa

Nghề nghiệp là yếu tố thứ hai thường bị “ngó lơ" vì được xem là không quan trọng. Trên thực tế, môi trường làm việc của mỗi ngành nghề là yếu tố quyết định mức độ rủi ro của ngành nghề đó. Trong bảo hiểm, bên cạnh các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, khả năng tài chính... thì nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng để công ty bảo hiểm xác định mức phí, cân nhắc việc chấp nhận hay từ chối bảo hiểm. Ví dụ: tài xế xe container đường dài với khả năng dễ gặp rủi ro sẽ có mức phí bảo hiểm cao hơn nhiều so với tài xế taxi thông thường và thuộc nhóm nghề không được chấp thuận bảo hiểm đối với các sản phẩm liên quan tới tai nạn. 

Việc kê khai sai về nghề nghiệp cũng là một lý do mà công ty bảo hiểm có thể đưa ra để từ chối bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do đó, để đảm bảo quyền lơi của mình, bên mua bảo hiểm cần chú ý khai báo đúng nghề nghiệp, công việc của người được bảo hiểm ngay từ bước kê khai hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Ảnh minh họa

Để tránh những khó khăn, tranh chấp không đáng có trong bồi thường bảo hiểm, cũng như đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm thì trung thực, minh bạch trong kê khai hồ sơ là yếu tố tiên quyết mà khách hàng cần nghiêm túc thực hiện. Điều này về lâu dài cũng sẽ giúp bảo hiểm trở nên dễ hiểu và không còn “mua dễ, khó đòi” như định kiến bấy lâu.