Hồ sơ xin việc chính là “lời chào hỏi đầu tiên” từ ứng viên đến nhà tuyển dụng. “Cuộc gặp mặt đơn sơ” đó có tính chất quyết định nhà tuyển dụng mời bạn tham gia phỏng vấn hay không. Nếu là một người có kinh nghiệm, có thể bạn sẽ không quá lo lắng làm thế nào để tạo được hồ sơ xin việc ấn tượng nhưng với ứng viên mới thì một số lỗi sai cơ bản sau đây có thể sẽ khiến hồ sơ của họ bị loại ngay lập tức.
Hồ sơ xin việc “cắt - dán”
Rất nhiều ứng viên thiếu kinh nghiệm và thiếu sự đầu tư đã chọn cách cắt – dán CV từ mẫu có sẵn. Tuy nhiên điều này làm cho hồ sơ xin việc của bạn mờ nhạt thiếu sức thuyết phục.
Bê y nguyên nội dung khi tạo CV hay thư xin việc mẫu có sẵn không thể hiện được ưu điểm hay sự đặc biệt của riêng bạn, nó chỉ làm cho bạn giống với hàng trăm ứng viên khác. Tất nhiên nhà tuyển dụng không đánh giá cao những hồ sơ xin việc này và bạn bị xếp sang một bên nhường cơ hội cho những ứng viên khác.
Do đó khi chuẩn bị hồ sơ xin việc, các mẫu có sẵn chỉ là thông tin tham khảo. Bạn nên dựa vào ưu thế của bản thân và sáng tạo cách viết, cách trình bày để thể hiện được điểm khác biệt của mình so với các ứng viên khác.
Viết quá dài hoặc cụt, thiếu ý
Để đảm bảo hồ sơ xin việc chỉn chu thì nội dung, cách trình bày và độ dài là điều ứng viên nên lưu ý.
Nội dung CV và thư xin việc nên đủ ý, cách trình bày rõ ràng, chia phần bố cục mở, thân và lời kết hợp lí, rõ ràng.
Tránh cách viết dài dòng, ý lan man, không tập trung vào nội dung chính. Bạn cũng nên lưu ý tránh viết quá ngắn, diễn đạt không đủ ý cần thiết, thiếu các nội dung quan trọng cần có.
Cẩu thả
Không có cách nào “cứu vãn” được một hồ sơ xin việc cẩu thả mắc các lỗi chính tả, dùng sai cấu trúc câu, đặt sai dấu chấm phẩy, không viết hoa, thiếu tên đơn vị hoặc tên người nhận… Lỗi sai này cho thấy sự cẩu thả trong tính cách của bạn cùng với sự yếu kém ngôn từ cơ bản. Nhà tuyển dụng sẽ “không có động lực” để xem tiếp hồ sơ của bạn nếu thấy sự ngô nghê, cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp.
Do đó trước khi bạn gửi đi một bản CV hay là thư xin việc thì nên kiểm tra kỹ lưỡng lại để đảm bảo sự hoàn chỉnh, chính xác trong từng câu chữ. Tránh làm cho hồ sơ xin việc bị loại chỉ vì lí do ngớ ngẩn này.
Đưa ra những thông tin không có căn cứ
Không có gì lạ khi CV và thư xin việc có chút chi tiết thêm thắt nhưng cần đảm bảo rằng bạn không đi quá xa - đừng đưa ra những tuyên bố mà bạn không thể chứng minh. Hãy nhớ rằng nếu bạn nói trong thư xin việc rằng bạn có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm điều đó trong CV của bạn và việc thiếu bằng chứng để chứng minh cho tuyên bố đó sẽ nhanh chóng bị phát giác.
Thể hiện sự tiêu cực
Đừng dại dột “bê” sự tiêu cực vào trong hồ sơ xin việc. Sự tiêu cực chính là tâm lí độc hại làm giảm năng lượng, nhiệt huyết và sáng tạo cho bất cứ người nào.
Đôi khi bạn nghĩ rằng nói về một điều tiêu cực có thể làm cho nhà tuyển dụng thấy được sự khiêm tốn của bạn hoặc ít ra thông cảm, đồng cảm được với bạn. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Một số biểu hiện tiêu cực trong hồ sơ xin việc như: kể lể về cuộc sống khó khăn vất vả, ốm đau, tai nạn hay một biến cố trong đời; Nói về việc mình có năng lực nhưng không được trọng dụng; Người khác không hiểu được những điểm mạnh, điểm tốt của bạn… Thay vào đó bạn nên thể hiện sự tự tin và ưu thế vượt trội của mình sẽ mang lại lợi ích cho công việc.
Nhà tuyển dụng đánh giá cao tuýp người lạc quan, vui vẻ giàu năng lượng tích cực. Ngược lại những người hay phàn nàn, chỉ trích hoặc thiếu tự tin, dễ thiếu sót sẽ bị đánh giá thấp và tất nhiên dễ bị loại khỏi “cuộc đua” dù chỉ mới thể hiện qua hồ sơ xin việc.
Một hồ sơ xin việc có đầu tư, cẩn thận, có nội dung nhiều giá trị sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Đây cũng chính là cơ hội cho bạn bước tới vòng phỏng vấn để chinh phục nhà tuyển dụng. Do đó trước khi viết hồ sơ xin việc bạn nên tham khảo thông tin, tuyệt đối tránh các lỗi sai trên để có một bước khởi đầu tốt đẹp nhất nhé.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin