Sống cởi mở, thân thiện, luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ mọi người, nên ông Lê Quang Hưởng, 58 tuổi, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai), giàu cả về vật chất và tình cảm. Ông nói: Qua sẻ chia với bà con, tôi cũng nhận lại được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Nhờ đó tôi tìm được lối ra thoát nghèo cho chính gia đình mình, rồi quay trở lại giúp đỡ bà con.
Ông Lê Quang Hưởng bên vườn cây ăn quả của gia đình cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. |
Nhà gần chân núi đá, trên núi đá là bản người Mông, người Tày... Vào hôm chợ phiên, nhà ông Hưởng ríu ran khách ra vào, toàn chuyện chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng, cấy lúa, trồng ngô lai xóa nghèo.
Có người vào chơi chỉ nói mỗi câu: Nắng quá, hoặc mưa quá. Có người bàn về thị trường hàng hóa nông sản; người thắc mắc vì sao con lợn, con gà nuôi chậm lớn, cây ngô trồng trên núi bắp nhỏ; cây lúa cấy dưới ruộng bị mưa làm đổ... Thoạt nghe thấy chẳng đâu vào đâu. Nhưng từng chuyện đều được ông Hưởng nói rõ căn nguyên, đồng thời hướng dẫn cho bà con cách khắc phục.
Ông tự hào là người được đi nhiều, biết nhiều, nhất là những năm tháng phục vụ trong quân đội (1984-1987). Khi trở về địa phương, ông mang kiến thức, kinh nghiệm học được áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình.
Ông kể: Khi được các cụ cho “tiếp quản” lại khu đất này, tôi quy hoạch lại, tập trung làm mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Để thực hiện giấc mơ làm giàu, tôi đi học lớp sơ cấp chăn nuôi thú y, rồi học tiếp lên hệ trung cấp. Được học bài bản, tôi mạnh tay đầu tư chăn nuôi lợn và gia cầm. Hơn nữa, hiệu thuốc chăn nuôi thú y của gia đình tôi trở thành điểm đến của đồng bào các dân tộc trong vùng. Vừa bán thuốc, tôi tranh thủ tư vấn cho bà con cách phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Nhất là cách sử dụng thuốc đúng liều lượng quy định, tránh kháng thuốc.
Khi đồng vốn đã khá hơn, ông mở thêm dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn được ông cho ứng trước thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh, đến kỳ xuất bán lợn, gà ông mới nhận lại tiền vốn gốc, không lấy lãi.
Nhiều bà con người Mông trên núi xuống nhà, hỏi vì sao con lợn, còn bò “tao” nuôi cả năm vẫn thấy gầy như thế. Ông cho thuốc tẩy giun, sán, vận động trồng thêm ít cỏ voi, cỏ ngọt, thỉnh thoảng cho ăn thêm cám và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ít tháng sau họ gặp lại tay bắt, mặt mừng, bảo: Nhờ “mày” bảo cách làm mà cả nhà tao không sợ thiếu đói nữa.
Có mặt ở đó, ông Đỗ Văn Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Tiến cho biết: Là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhưng ông Hưởng sống chân tình, luôn mở lòng sẻ chia với mọi người kinh nghiệm làm giàu. Hiện 17 hộ trong vùng được ông tư vấn làm kinh tế nay đã thoát nghèo...
Ông Hưởng khiêm tốn nói: Tôi biết gì cũng đều chia sẻ hết với bà con. Vì bà con cũng như mình, ai cũng muốn vươn lên, nhưng quan trọng là phải biết bắt đầu từ đâu. Tôi giúp bà con nghèo nhận thức rõ hạn chế của mình, vượt qua mặc cảm, tự ái, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.
Từ 5 năm gần đây gia đình ông duy trì nuôi thường xuyên 15 con lợn nái, hơn 100 lợn thương phẩm/lứa; hơn 200 con gà vịt/lứa; 350 gốc cây nhãn, bưởi, thanh long đang cho quả, nương ngô thu được 10 tấn bắp khô/năm.
Ngoài trồng ngô, chăn nuôi, vườn cây ăn quả, gia đình ông còn có nguồn thu nhập từ dịch vụ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, máy xay xát, dịch vụ vận tải và 10ha đất lâm nghiệp đã trồng keo, trồng cây dược liệu. Trừ chi phí đầu tư, gia đình ông đạt thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.
Theo ông ra thăm vườn, chúng tôi thấy bí đỏ lăn đầy dưới chân; bên trên là nhãn, bưởi, thanh long khoe quả. Ông Hưởng cho biết: Có nhiều cách làm hay tôi học được của đồng bào trên núi, như trồng bí đỏ, trồng gừng, trồng cây dược liệu dưới tán cây tầng cao. Bản thân tôi cũng chia sẻ cho bà con những gì mình làm đã có kết quả. Tôi nghiệm lại: Trong cuộc sống đời thường, mình càng chia sẻ nhiều điều tốt với bà con, thì mình càng giàu có về vật chất và bè bạn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin