Thời gian qua, công tác đấu giá tài sản đã góp phần tích cực tăng thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự phát triển, hoạt động đấu giá tài sản ngày càng phải đi vào chuyên nghiệp, nâng cao tính công khai, minh bạch. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) đã kiểm tra, thử nghiệm phần mềm triển khai đấu giá tài sản trực tuyến và phấn đấu đưa vào hoạt động chính thức trong năm nay. |
P.V: Xin ông cho biết kết quả của hoạt động đấu giá tài sản công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua?
Ông Trần Việt Dũng: Trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành, năm 2017, Thái Nguyên chỉ có 1 đấu giá viên hoạt động tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, chưa có doanh nghiệp đấu giá tài sản. Sau 5 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản, số lượng đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản đã có sự phát triển về số lượng.
Hiện nay, ngoài Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh còn có 2 doanh nghiệp, 6 chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Các đơn vị này đều đã hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ làm công tác đấu giá năng động, chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, khẳng định vị trí và tạo uy tín trong hoạt động đấu giá tài sản. Tất cả đơn vị đã tham gia điều hành nhiều cuộc bán đấu giá, có đạo đức, kinh nghiệm tổ chức và điều hành các cuộc bán đấu giá tài sản.
Trong 5 năm qua (2017-2021), các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 812 cuộc, số cuộc đấu giá thành là 784. Tổng giá khởi điểm gần 6.821,4 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền trúng đấu giá là trên 8.248,6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, các trung tâm, tổ chức đấu giá đã thực hiện đấu giá thành 53/53 cuộc; tổng giá khởi điểm là trên 313 tỷ đồng, tổng số tiền trúng đấu giá trên 439,7 tỷ đồng.
P.V: Ngoài Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (trực thuộc Sở), công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức đấu giá tài sản khác được thực hiện như thế nào để đảm bảo hoạt động đấu giá tài sản được hiệu quả, minh bạch, thưa ông?
Ông Trần Việt Dũng: Thực hiện quy định của Luật Đấu giá tài sản và các quy định có liên quan, Sở Tư pháp đã có văn bản yêu cầu người có tài sản bán đấu giá xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, giao tài sản cho người trúng đấu giá, hủy hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, giám sát các tổ chức đấu giá tài sản trong việc thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia…
Trong 5 năm (2017-2021), Sở Tư pháp đã thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản; cấp, cấp lại, thu hồi thẻ đấu giá viên theo thẩm quyền, đúng quy định. Sở cũng đã tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra tại một số tổ chức đấu giá để đánh giá kết quả hoạt động cũng như hướng dẫn, nhắc nhở, nâng cao hiệu quả, tính minh bạch trong đấu giá tài sản.
Các cuộc đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đều tổ chức theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp. Việc bỏ phiếu gián tiếp đã đảm bảo được tính công khai, minh bạch, loại bỏ được tình trạng “họp chợ, quân xanh - quân đỏ…” và tình hình mất ổn định an ninh trật tự tại các buổi đấu giá tài sản.
Sở Tư pháp cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để triển khai có hiệu quả Luật đấu giá tài sản phù hợp với tình hình của địa phương; chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tốt nhất cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp, để từng bước đưa hoạt động đấu giá đi vào nền nếp, chuyên nghiệp.
Sở cũng tham mưu UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh triển khai các biện pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự các cuộc đấu giá, nhất là các cuộc đấu giá tài sản công có giá trị lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự theo đề nghị của tổ chức đấu giá tài sản.
P.V: Chúng tôi được biết, nhằm tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá tài sản công, Sở Tư pháp đã triển khai xây dựng phầm mềm đấu giá trực tuyến. Xin ông cho biết tiến độ thực hiện và hiệu quả mang lại khi phần mềm chính thức đi vào hoạt động?
Ông Trần Việt Dũng: Sở Tư pháp đã tham mưu và được UBND tỉnh đồng ý cho xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến và chuẩn bị đưa vào hoạt động chính thức.
Khi phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến được triển khai sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp dễ dàng tham gia đấu giá tài sản qua mạng Internet với giao diện web trên máy tính hoặc app trên điện thoại thông minh mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở của tổ chức đấu giá. Các thông tin về đấu giá tài sản và cuộc đấu giá tài sản của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản sẽ được đăng tải đầy đủ, công khai, minh bạch và việc đấu giá sẽ được thực hiện trên môi trường mạng.
Hình thức này sẽ đảm bảo được tính công khai, minh bạch, thuận tiện, thu hút được nhiều người tham gia trong hoạt động đấu giá tài sản. Đây là những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng để Sở Tư pháp Thái Nguyên tiếp tục nâng cao vai trò tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản, đáp ứng chương trình chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin