Nơi lưu giữ thanh xuân tươi đẹp

Dương Văn Mưu (Phú Bình) 09:52, 30/08/2022

Tôi không sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên, nhưng trong tôi thành phố luôn chứa chan kỷ niệm. Khi tôi chào đời, thành phố đã bước vào tuổi đôi mươi. Và khi tôi đôi mươi, thành phố đã như một chàng trai chững chạc. Chính nơi này đã cho tôi tuổi thanh xuân tươi đẹp và những tháng ngày công tác đáng nhớ.

Năm 2003, tôi trở thành sinh viên năm nhất của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Bố mẹ sắm cho tôi chiếc xe đạp Thống Nhất màu xanh lá, với gia đình tôi lúc bấy giờ đó là một tài sản rất quý.

Tôi sung sướng tự đạp xe từ huyện Phú Bình lên trường nhập học thật sớm, nhẩn nha qua từng con dốc và tự găm vào trí nhớ của mình. Tôi thuộc làu con đường từ nhà đến trường có đúng 9 con dốc lớn, nhỏ. Có những dốc cao phải nhổm cả người đạp hết sức mới vượt qua được.

Con đường từ Phú Bình lên thành phố lúc bấy giờ đã được trải nhựa nhưng rất nhỏ hẹp. Hai bên đường vẫn lổn nhổn đá, đất bụi mù. Còn những con đường của thành phố Thái Nguyên cũng hẹp và chưa hiện đại như bây giờ.

4 năm sinh viên, tôi có dịp đến hầu hết các vùng đất của thành phố. Đó là những buổi sáng cùng bạn bè đạp xe tập thể dục từ Trường Sư phạm qua đê Nông lâm, ngược lên Mỏ Bạch, cầu Gia Bẩy lên đường tròn Trung tâm, men theo đường Hoàng Văn Thụ trở về đường tròn Đồng Quang, Bến xe cũ,... Hay những buổi tối cùng bạn bè nhẩn nha qua những con phố, ra chợ Thái, khu Nhà thờ, đường tròn Trung tâm. Tôi vẫn còn lưu giữ những bức ảnh đến tận bây giờ và mỗi lần mở ra lại xôn xao kỷ niệm.  

Hồi ấy, xóm trọ sinh viên đông vui, những dãy nhà trọ san sát lúc nào cũng kín phòng. Bây giờ có dịp đi ngang qua khu trọ ngày xưa, hầu hết các nhà trọ đã phá bỏ, không có sinh viên thuê trọ.

Tôi ghé vào một quán ăn ở phường Hoàng Văn Thụ, gần nơi tôi thuê trọ thời sinh viên, chị Nguyễn Thị Lệ, chủ quán ăn, vẫn nhận ra tôi dù gần 20 năm không gặp. Trò chuyện vài câu, chị bảo: Cả khu này còn mỗi chị giữ lại quán ăn, phục vụ công nhân là chủ yếu, sinh viên giờ ít lắm, các khu nhà trọ đóng cửa cả.

Tôi còn nhớ, năm tôi thuê trọ cạnh Trường Công nhân bưu điện miền núi- một trong những nơi có khuôn viên đẹp bậc nhất bấy giờ của thành phố, chúng tôi vẫn thường đi bộ sang Trường để hít thở không khí trong lành. Tôi có thói quen ra Bưu điện Mỏ Bạch đọc báo cập nhật tin tức và xem bài viết có được đăng trên các báo hay không. Nhớ mãi cảm giác có bài được đăng là nài nỉ chị bưu tá cho xin số báo trước rồi về nhà ngấu nghiến đọc đi đọc lại tất cả các bài trong số báo đó.

Trong ký ức của tôi, 20 năm trước thành phố cũng đã phồn hoa lắm. Những con đường, những công trình đua nhau mọc lên. Một thành phố năng động phát triển từng ngày. Nửa đêm, âm thanh tiếng còi tàu, tiếng xe ô tô ầm ào, tiếng nhà máy khiến chúng tôi cảm nhận về một thành phố sôi động.

Lẫn trong những âm thanh ấy, tôi nhớ mãi tiếng rao hàng của các bà, các chị bán hàng rong. Bây giờ, hình ảnh những người bán hàng rong ít hơn xưa. Thay vào đó, người dân có nhiều nơi để lựa chọn mua hàng, nhiều hình thức ship hàng hiện đại, chỉ cần ngồi ở nhà, nhấc điện thoại lên gọi là một lúc đã có được những món đồ cần thiết.

Năm 2019, tôi về công tác tại một cơ quan ở trung tâm thành phố. Xa nhà, những buổi trưa rảnh rỗi, hoặc những chiều tan giờ làm tôi lại dành thời gian đi vòng quanh thành phố để cảm nhận sự chuyển động của vùng đất này. Đổi thay lớn nhất là khu trung tâm thành phố, Quảng trường được mở rộng thông thoáng, những dãy nhà cao tầng mọc lên tạo dáng vóc một thành phố hiện đại, năng động nhưng rất đỗi hiền hòa bên dòng sông Cầu thơ mộng.

Gắn bó với thành phố được hơn một năm, tôi chuyển công tác về gần nhà, nhưng trong tôi luôn ăm ắp kỷ niệm về thành phố Thái Nguyên tươi đẹp. Kỷ niệm về đường Nha Trang với hàng xà cừ mùa Thu trút lá, đường Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa, đường Cách mạng Tháng Tám nhộn nhịp người, xe…

Bây giờ, những lúc rảnh, tôi lại đưa cả nhà lên thành phố Thái Nguyên, nơi đã cho tôi tuổi thanh xuân tươi đẹp và những tháng ngày công tác đáng nhớ. Nơi đã cho tôi cảm xúc dạt dào để viết lên những vần thơ về quê hương đất nước mến yêu.