Phát triển tài nguyên số, nâng cao chất lượng đào tạo của Đại học Thái Nguyên

Thanh Loan (Đại học Thái Nguyên) 14:01, 30/08/2022

Ngày 30-8, tại Trung tâm Số, Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn tài nguyên số và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên”. Tham dự Hội thảo có đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà quản lý, nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên và các trường đại học, cao đẳng, đơn vị trực thuộc.

PGS. TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.
PGS. TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng của việc phát triển nguồn tài nguyên số phục vụ công tác đào tạo ở các đơn vị thành viên Đại học Thái Nguyên, từ đó phân tích những trở ngại, khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển đổi số và những xu hướng phát triển nguồn tài nguyên số ở các trường đại học; tìm hiểu kinh nghiệm của một số trường đại học ở Việt Nam trong việc phát triển nguồn tài nguyên số; từ đó đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số ở Đại học Thái Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe 04 báo cáo: “Thực trạng và giải pháp triển khai mô hình đào tạo trực tuyến E-Learning tại Đại học Thái Nguyên”; “Giải pháp phát triển và sử dụng nguồn học liệu mở trong đào tạo ở các trường đại học”; “Đánh giá thực trạng công tác phát triển nguồn tài nguyên số dùng chung của Đại học Thái Nguyên”; “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông”.

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận những vấn đề xoay quanh công tác phát triển nguồn tài nguyên số và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên.

Những giải pháp được đề xuất tại Hội thảo góp phần giúp Đại học Thái Nguyên cũng như các đơn vị thành viên thực hiện chuyển đổi số hiệu quả; thay đổi nhận thức và tư duy trong quản lý, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng áp dụng thành tựu công nghệ; phát triển nguồn học liệu và xây dựng văn hóa quản trị trong môi trường số, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.