Một lần “sống khác” ở Tân Cương

Lê Thị Thu Thanh (Quảng Trị) 14:22, 16/09/2022

“Thái Nguyên xanh mát nương chè/Chè xanh xứ Thái đậm đà ngát hương/Bà con một nắng, hai sương/Nụ cười chíu nắng bên nương dưới đồi”. Những câu thơ mượt mà sâu lắng đã thôi thúc nhiều người tìm đến với đồi chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) để chứng kiến tận mắt vùng đất "Đệ nhất danh trà", được một lần “sống khác” ở Tân Cương.

 

Từ trung tâm TP. Thái Nguyên đi về phía Tây Nam khoảng 10km là đặt chân đến “thủ phủ” chè. Vùng chè đặc sản Tân Cương trải rộng hơn 1.300ha, gồm 6 xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà, trong đó Tân Cương là vùng “lõi”, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Chè Tân Cương có hương dịu tự nhiên, vị chát nhẹ, màu nước xanh và khi uống có hậu ngọt lắng đọng vô cùng đặc biệt. 

Tân Cương được xem là “thủ phủ” chè lớn bậc nhất của vùng núi trung du Bắc Bộ. Có dịp về đồi chè Tân Cương mới thấy hết sự đổi thay nơi đây. Tôi bị choáng ngợp bởi màu xanh bạt ngàn của những đồi chè. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, hãy thử đến đây một lần, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất này. Trong hanh hao nắng, trải dài hai bên đường, tôi như thấy mình lạc vào một khu rừng mà nhìn lên cúi xuống chỉ có chè xanh khắp mọi nơi. 

Mùa thu hoạch chè cũng là lúc hình ảnh Tân Cương đẹp nhất, đặc trưng nhất. Dù đứng ở bất cứ đâu trên đất Tân Cương đều nhìn thấy những đồi chè xanh mướt. Bức tranh quê hương đang vươn mình phát triển. Cái hơi lạnh buổi sáng ở Tân Cương mang đến một sự tinh khiết, thanh cao và bình dị. Một khung cảnh vô cùng thích thú đập vào mắt, đồi chè Tân Cương hiện ra trập trùng với những làn khói trắng giăng ngang mờ ảo tựa cảnh thiên đàng trong những câu chuyện cổ tích. Những gốc chè được trồng trên ngọn đồi thoai thoải, hướng về phía mặt trời mọc để có thể hấp thụ những tinh hoa của khí trời. Nhìn từ xa, những đồi chè tựa như con thằn lằn khổng lồ hiền lành đang phơi mình dưới nắng vàng. Có lẽ vì thế mà những ngọn đồi ở đây được người dân đặt tên là đồi Thằn Lằn. Những con đường lượn vòng từng tầng, từng bậc quanh sườn đồi. Những ngôi nhà mọc lên trên khắp sườn đồi, thấp thoáng sau những rặng cây. 

Thú vị nhất là len lỏi vào các gốc chè, tự tay hái những búp chè non đang còn đọng sương. Nhiều người không quên lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp này rồi đăng Facebook. Cũng vì phong cảnh ở đây quá đẹp, các bạn trẻ sánh bước bên nhau thật lãng mạn tựa như những thước phim. Rất nhiều cặp đôi chụp ảnh cưới chọn đồi chè Tân Cương trong album của mình. Màu xanh của những đồi chè tươi tắn, rạng rỡ là phông nền tuyệt vời cho mọi bức hình thêm sinh động. Đến với đồi chè Tân Cương, du khách sẽ được thỏa sức check-in "sống ảo". 

 

Du lịch đồi chè Tân Cương, du khách không chỉ chiêm ngưỡng những nương chè xanh mướt mát, mà còn được ngắm nhìn những động tác hái chè điêu luyện như đang múa của phụ nữ địa phương, hoặc trải nghiệm tự mình hóa thân thành người trồng chè, tay  thoăn thoắt hái những búp chè xanh non cho đến khi nặng gùi sau lưng. Rồi thử làm một nghệ nhân chế biến chè: Tự làm héo, vò, sao chè, rồi tự tay mình làm ra những búp chè quăn tít, ngào ngạt hương… Đặc biệt, cùng thưởng thức chén chè xanh mát do chính tay mình thu hoạch và cảm nhận sự khác biệt của vị chè Thái Nguyên. Nhấp một ngụm thấy chát ở đầu lưỡi, nhưng vị chát nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho vị ngọt dịu lan tỏa khiến ta khoan khoái vô cùng. Hậu vị ngọt mát của chè Tân Cương giúp con người sảng khoái, tràn trề năng lượng bắt đầu một ngày mới.

Ngoài ra, du khách có thể tìm đến thăm thú những cây chè cổ nhiều năm tuổi tại xóm Lam Sơn ngay dưới chân núi Guộc và nghe người già kể những câu chuyện thú vị về đồi chè Tân Cương. Ghé thăm Không gian văn hóa trà Tân Cương có diện tích 2,6ha tọa lạc tại xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, cũng là nơi du khách có thể tìm hiểu về nguồn gốc của từng loại chè nổi tiếng ở Thái Nguyên. 

Đặc biệt hơn cả, đến với vùng chè Tân Cương, du khách sẽ được nghe những “hướng dẫn viên” là nông dân khái quát về lai lịch của cây chè trên vùng đất “Đệ nhất danh trà” gần một thế kỷ, giới thiệu về nghệ thuật ẩm trà. Các sơn nữ trong vai trà nương sẽ hướng dẫn du khách cách pha một ấm trà ngon và thưởng thức trà “đúng điệu”, để rồi mỗi du khách khi ra về đều không quên cất giữ cho riêng mình những gói chè ngon làm quà cho người thân, cũng là để nhớ mãi về quãng thời gian ngắn ngủi mà ý nghĩa được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân Tân Cương chân tình, hiếu khách.

Đến đồi chè Tân Cương còn là cơ hội để du khách tìm hiểu, khám phá về vùng đất, văn hóa, con người Thái Nguyên chân chất, thật thà đã đón tiếp du khách bằng cả ân tình ấm áp. Những nụ cười đầu làng cuối xóm và trên những đồi chè bát ngát; những món ăn nấu cùng lá chè thơm ngon, bổ dưỡng khiến du khách không khỏi bất ngờ về ẩm thực Việt Nam; những cái nắm tay, những cái ôm thật chặt đã kịp trao nhau trong đêm giao lưu văn nghệ bên chén trà thấm đượm tình quê… Tất cả đều là những kỷ niệm thật đẹp khi bạn được một lần “sống khác” ở Tân Cương. 

Sự góp mặt của chè Tân Cương góp phần quảng bá du lịch Thái Nguyên. Khách xa gần đến với Thái Nguyên thì có chè Tân Cương làm quà. Chè Tân Cương vẫn mãi thơm ngon đặc biệt và người Thái Nguyên vẫn nổi tiếng trồng chè giỏi. Tạm biệt đồi chè Tân Cương, tôi cũng không quên mua về làm quà cho người thân đặc sản chè nơi này.