Vũ Chấn là xã vùng cao thuộc huyện Võ Nhai, địa hình có nhiều đồi núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên Trường Tiểu học Vũ Chấn duy trì 1 trường chính và 5 điểm trường, gồm: Na Cà, Khe Cái, Khe Rịa, Khe Rạc và Cao Sơn. Dù bây giờ đường đến các điểm trường đã thuận tiện hơn nhưng hành trình đưa con chữ đến với các em học sinh vẫn còn lắm gian nan.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thoa dạy các em học sinh lớp 2 tại Điểm trường Khe Rạc, Trường Tiểu học Vũ Chấn. |
32 năm “cắm bản”
“Gần 35 năm gắn bó với nghề giáo thì hơn 32 năm "cắm bản", lấy chồng được 32 năm nhưng gần 30 năm tôi ở các điểm trường…” - cô giáo Nguyễn Thị Minh Thoa, giáo viên Trường Tiểu học Vũ Chấn, xúc động chia sẻ.
Cô Thoa có thâm niên “cắm bản” lâu nhất trong các giáo viên của Trường Tiểu học Vũ Chấn. Ra trường năm 1987, cô nhận nhiệm vụ dạy học ở xã Nghinh Tường. Cô thường phải đi bộ theo đường mòn, vượt 57 con suối, từ sáng sớm đến tối mịt mới đến được điểm trường nên cô phải “cắm bản”.
Năm 1990, cô Thoa lập gia đình, đến năm 1992 thì có con đầu lòng. Năm đó, cô đi dạy ở xã Bình Long, cách nhà ở xã Lâu Thượng 50km, vậy là hai mẹ con cùng “cắm bản”. Mãi đến khi con vào lớp 1, cô Thoa mới để con ở nhà cho chồng chăm sóc rồi tiếp tục hành trình “cắm bản” của mình. Cô đã chuyển nhiều trường tiểu học tại Võ Nhai và gắn bó với Trường Tiểu học Vũ Chấn từ năm 2007 đến nay. Gần 35 năm công tác, trong đó có 32 năm cô dạy học ở điểm trường.
Những năm tháng “cắm bản” đã để lại trong cô biết bao kỷ niệm vui buồn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô là nửa đêm ngủ tại điểm trường, bất ngờ bão ập đến, thấy nguy hiểm, cô vội bỏ chạy ra ngoài thì toàn bộ mái nhà đổ sập… May là cô đã chạy kịp, thoát hiểm trong gang tấc.
Trường Tiểu học Vũ Chấn đã sử dụng máy chiếu để nâng cao chất lượng bài giảng. Trong ảnh: Cô giáo Lý Thị Bích Ngọc trong giờ dạy học sinh lớp 1. |
Hành trình trăm cây mỗi ngày
Cũng như cô Thoa, có không ít thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Vũ Chấn có nhà cách xa Trường trên 50km. 5h sáng mỗi ngày, dù trời mưa hay nắng, các thầy, cô lại vội vã lên đường để kịp giờ đứng lớp.
Đường đến trường chính và các điểm trường của Trường Tiểu học Vũ Chấn hiện đã cơ bản được cứng hóa, đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, đường lên Điểm trường Khe Cái vẫn là đường đất. Tuyến đường từ trung tâm xã đến cuối xóm Khe Cái dài 7km, có dốc cao tức ngực, nhầy nhụa bùn đất trong mùa mưa và gập ghềnh sỏi đá vào mùa khô là nỗi ám ảnh đối với các thầy, cô giáo. Cô Nông Thị Linh Giang, giáo viên Trường Tiểu học Vũ Chấn, chia sẻ: Đường vào phải lội qua suối nên cứ sau mỗi cơn mưa là giáo viên phải bỏ xe máy bên ngoài, đi bộ vào Điểm trường.
Còn cô giáo Lý Thị Bích Ngọc thì không thể quên vụ ngã xe khi vào Điểm trường Cao Sơn: “Năm 2019, đường vào Điểm trường Cao Sơn vẫn là đường đất. Hôm đó, sau cơn mưa, đường trơn nên tôi bị ngã xe. Cả người và xe trôi từ đỉnh xuống tận chân dốc. Cũng may, người chỉ bị xây xát nhẹ”…
Thầy, cô giáo Trường Tiểu học Vũ Chấn bỏ xe, lội bộ qua suối và vượt đường đất vào Điểm trường Khe Cái. |
Vượt khó, khẳng định chất lượng dạy và học
Dẫu còn bao khó khăn nhưng các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Vũ Chấn luôn tâm huyết với nghề, hết mình với học trò vùng cao, nỗ lực vận động học sinh ra lớp, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và truyền dạy tri thức, dạy dỗ các em thành người. Thầy giáo Hoàng Văn Cương tâm sự: Những năm gần đây, trước khi khai giảng, các thầy, cô giáo không còn phải đến tận nhà vận động học sinh ra lớp như nhiều năm trước. Tuy nhiên, khi nhận thấy em nào nghỉ học nhiều, đi học không đều là các thầy, cô đều đến tận nhà nắm bắt tâm tư, động viên các em tới lớp.
Thầy Cương vẫn nhớ năm học 2021-2022, em Đặng Thị Linh, học sinh lớp 4 ở Điểm trường Khe Rịa nghỉ học nhiều. Thầy Cương cùng các thầy, cô khác đã đến tận nhà động viên nên sau đó em lại tới lớp. Năm nay, em Linh đã lên lớp 5 và luôn chăm ngoan học tập theo lời chỉ dạy của thầy, cô.
Không chỉ giữ được sĩ số từ đầu năm đến cuối năm đạt 100%, chất lượng dạy và học của Trường Tiểu học Vũ Chấn cũng ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, sạch đẹp, thân thiện. Nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I năm 2012, công nhận lại lần 2 năm 2018; được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chất lượng kiểm định giáo dục cấp độ 3 năm 2015; đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Bữa ăn bán trú của học sinh Điểm trường Na Cà, Trường Tiểu học Vũ Chấn. |
Hiện nay, Trường Tiểu học Vũ Chấn có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó nhiều giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Năm học 2022-2023, Nhà trường có 281 học sinh, 100% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, Nhà trường đều có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Năm 2020, Nhà trường là 1 trong 2 trường tiểu học thuộc tỉnh Thái Nguyên được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016-2020. Những năm qua, Nhà trường đã được tặng nhiều giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Võ Nhai…
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng Trường Tiểu học Vũ Chấn luôn vươn lên dạy tốt, là một trong những trường tiêu biểu của huyện Võ Nhai trong việc nâng cao chất lượng giáo dục” - bà Phan Thị Phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhận xét.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin