Theo quan niệm dân gian, đầu năm mới, người Việt thường cúng sao giải hạn với mong muốn hóa giải mọi vận xấu về sức khỏe, sự nghiệp, tình cảm và ước muốn một năm bình an, may mắn. Nhưng thực tế hoạt động này không có trong giáo lý nhà Phật, dẫn đến sự hiểu biết sai lầm trong văn hóa tâm linh. Nhân đầu Xuân Mậu Tuất, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với Đại đức Thích Nguyên Thanh, trụ trì Chùa Hang về hoạt động này.
PV: Đầu xuân, năm mới, một số nơi các gia đình tổ chức hoạt động tâm linh như cúng dâng sao giải hạn, thậm chí đến cả đền, chùa tổ chức dưới nhiều hình thức, xin Đại đức cho biết bản chất của hoạt động này là gì?
Đại đức Thích Nguyên Thanh: Tập quán này xuất phát từ Lão giáo của Trung Quốc lập ra pháp cúng “Nhương tinh” để đưa dẫn người vào đạo. Theo quan niệm của người Á Đông, căn cứ vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Có tất cả 28 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật…, gọi là vận hạn. Nặng nhất là “nam La hầu, nữ Kế đô”. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón. Để giảm nhẹ vận hạn người xưa thường làm lễ cúng vào đầu năm (tốt nhất là hàng tháng) tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin thần sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình.
Thế nhưng, do đời sống bất ổn của từng hoàn cảnh đã khiến tập quán dâng sao, giải hạn không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu và trở nên mê tín và bị lạm dụng. Những gia đình giàu có sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mời thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Người nghèo khó không có điều kiện nhưng quá tin nên sẵn sàng bán cả tài sản trong nhà đi để làm lễ. Cũng có không ít gia cảnh do không hiểu bản chất hoặc quá hoang mang nên đến nhờ cậy nhà chùa làm công việc này.
Cứ như vậy, theo tâm lý đám đông, nhiều người rủ nhau đi dâng sao (nếu gặp sao tốt), giải hạn (nếu gặp hạn xấu). Chính vì vậy chúng ta rất dễ bắt gặp chốn lễ đền hoặc chùa chiền vào Rằm tháng Giêng, mọi người sẽ thấy nhan nhản những bàn đăng ký “dâng sao, giải hạn” mọc lên khắp nơi ở các khu vực hành lễ. Người ta dễ dàng tìm thấy ở nơi ấy những cuốn sách tử vi, bản tra cứu sao chiếu mạng, giấy đăng ký, hướng dẫn cách “dâng sao, giải hạn”,… và cuối cùng là…tiền.
Một sai lầm trong văn hóa tâm linh là người ta dâng cúng lễ vật để “mặc cả” với thế giới thần linh. Khấn lễ để xin nhận được điều này hoặc điều kia. Cuộc sống xô bồ, bon chen, tranh đua đã tác động đến lòng tham vốn có trong mỗi người nên họ cứ tin rằng, nếu có lễ dâng lên Phật, thần thánh, chắc chắn sẽ được độ trì, cứ thế mà làm, thậm chí làm những việc không tốt, ảnh hưởng xấu đến xã hội và cộng đồng.
PV: Vậy làm thế nào mà hoạt động cúng dâng sao giải hạn từ Lão giáo lập ra mà lại đến được chốn đền, chùa và tồn tại trong dân gian theo nhiều cách suy diễn siêu thực?
Đại đức Thích Nguyên Thanh: Trước đây, việc cúng sao giải hạn diễn ra trong các đạo quán của Lão giáo và trong dân gian. Về sau tục này được "phương tiện" đưa vào một số chùa, thường diễn ra từ mùng 8 đến Rằm tháng Giêng. Rõ ràng, tục cúng sao giải hạn ở một số chùa chỉ là phương tiện. Phương tiện nào cũng có hai mặt. Nếu khéo vận dụng, thì nhờ đi cúng sao mà những người ít đi chùa có cơ hội lễ Phật, nghe pháp, cúng dàng Tam Bảo. Ngược lại, nếu chỉ dừng ở cúng sao giải hạn, cầu cúng các tinh quân (các vì sao) mong ban phúc thì rơi vào tà kiến, tà mạng và không phù hợp với tinh thần phương tiện của Chính pháp.
PV: Hiểu biết chưa đầy đủ, dẫn đến không ít người tìm đến đền chùa cầu may, cúng dâng sao giải hạn và coi đó như một sức mạnh siêu hình, suy diễn sai bản chất giáo lý nhà Phật. Đại đức cho biết rõ hơn về giáo lý nhà Phật về điều này?
Đại đức Thích Nguyên Thanh: Đạo Phật không có nói về việc cúng sao giải hạn mà chỉ có lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở tòa Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có lễ giải sao hoặc nghi thức nào khác cả. Không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”. Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt.
PV: Đại đức có lời khuyên gì với bạn đọc xung quanh câu chuyện cúng dâng sao giải hạn và bài trừ mê tín dị đoan hiện nay?
Đại đức Thích Nguyên Thanh: Giờ đây, khi nền kinh tế thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt, một số không còn tự tin vào năng lực của bản thân mình nữa, hoặc năng lực bản thân hạn chế, vì vậy, họ cứ nơm nớp lo sợ “vận hạn” của mình khi khởi đầu cho một năm mới, nhất là giới trẻ. Họ tìm đến những nơi linh thiêng, bám víu vào một “đấng tối cao” trong tưởng tượng để giải quyết hàng trăm mối lo âu và sợ hãi. Một đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế sao lại có những người mê tín đến mụ người như vậy? Tương lai của một quốc gia nằm trong tay những người chỉ biết cầu xin số mệnh, “dâng sao, giải hạn” có thể nào phát triển bền vững?
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại đức!