Mấy món ăn đã được bưng ra. Có mầu xanh, mầu tím của thực vật, có mầu đỏ của đại dương, nâu hồng xen tai tái của một loài ăn cỏ, mầu vàng óng của nước chấm điểm mầu đỏ tươi của vị cay. Ngon đáo để. Nhưng chẳng ai cầm đũa. Mọi người đều cầm máy điện thoại.
Xem chừng sợ có kẻ phàm phu làm hỏng tính mỹ thuật của sự trình bày, chị bạn tôi nhấn nhá: “Cấm đứa nào động đũa đấy”. Mấy cái điện thoại thông minh hết dí gần rồi đẩy xa. Chị chạm tay post ảnh, cái thứ tám, cười đắc thắng: “Cho bọn nó tha hồ đoán xem hôm nay mình khám phá chỗ nào”.
Bỗng chị dừng lại, đá mắt sang bàn bên cạnh. Ra là có "đồng nghiệp". Bàn bên có năm người. Cả năm đều mải mê sáng tác ảnh. Một người bưng đĩa tôm lên sát mặt, người kia liên tục chỉnh dáng: “Thế, thế, gần hơn tí nữa… Liếc nào. Được rồi. Làm nốt cái chu môi xong chụp cho tớ nhé”. “Tớ và cậu song ca cái nào. Mà khoan, đợi tớ tô lại son môi đã”… Dẫu đã rất hăng, nhưng bàn tiệc chúng tôi xem ra… yếu thế so với mấy người “hàng xóm”.
Chúng tôi đã bắt đầu phá cỗ, còn bên kia vẫn rôm rả với chụp ảnh, đăng hình. “Cúng phây”, tất nhiên là thế rồi. Chị bạn tôi nói với sang: “Các bác liên hoan vui thế, hơn cả bọn trẻ chúng cháu”. “Chào các cậu. Tụi này vui lắm. Quan trọng gì tuổi tác đâu. Cái chính là trẻ tâm hồn. Tớ vừa mới “pốt” ảnh lên “phây” xong mà đã 31 like rồi này”. Một phụ nữ đẹp quay sang đáp lời. Tôi ấn tượng với cách trang điểm tinh tế của người phụ nữ ấy, dù tuổi thì cũng đã lên chức bà từ lâu. Cặp lông mày thêu lượn một đường vừa độ, tựa như một món ngon vào tay người khéo nấu nêm nếm gia vị, hàng mi giả uốn cong, tóc vấn cao kiểu Hà thành đài các. Những khấp khểnh của thời gian được ẩn đi dưới những phấn cùng son.
Hôm ấy chúng tôi ăn tiệc sinh nhật một người trong nhóm bạn. Câu chuyện sinh nhật bị đẩy thành thứ yếu, chuyển sang chủ đề chính là niềm đam mê chụp ảnh, đăng hình.
“Tớ và các cậu kết bạn nhé, rồi còn giao lưu”. Phía bên kia gợi ý. Sẵn “phây”, tôi cũng bấm kết bạn. Chà. Thật đáng bái phục. “Điểm nóng” chụp ảnh nào cũng góp mặt cả. Từ mây núi Sa Pa cho đến biển biếc phương nam. Riêng Hà Nội và vùng phụ cận thì từ cúc họa mi, cho đến hoa hướng dương; từ bãi đá sông Hồng cho tới “mê cung” hoa bên Long Biên vừa mở. “Ngàn like” không phải chuyện nói vui mà là sự thật. Những lời bình phẩm, ngợi khen đọc đến phát mê. Vẫn người phụ nữ có gu trang điểm tinh tế nọ tiếp tục câu chuyện: “Phải đổi mới tư duy chứ. Như cái bà này đây này. Không có chúng tớ thì giờ khú đế ở góc nhà chỉ biết trông cháu. Từ ngày chúng tớ khai sáng cho chơi “phây” trẻ ra mấy tuổi. Tóc tai cũng chỉn chu hơn. Tớ mới đào tạo xong mấy trình sửa ảnh. Tay nghề lên ra phết. “Seo-phi” bây giờ đông “like” chả kém tớ cậu ạ. Mà lại nhiều bạn giai nữa chứ”. Nhóm bạn vẫn rôm rả, bàn việc chuẩn bị quần áo cho buổi chiều, diễn tiếp…
Nhìn vào “phây” của mấy người bạn mới, nhưng nếu không để ý khuôn mặt, ắt nhiều người sẽ nghĩ đây là “phây” của cánh… “xì tin”. Phong cách trẻ trung, từ ăn mặc đến tạo dáng. Vừa hôm qua, tôi vẫn phản bác chuyện tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ. Giờ tôi nhận ra mình tuyệt đối sai lầm. Tuổi 60 với nhiều người hình như là thêm một lần trẻ lại, như mấy người bạn chúng tôi vừa quen.
“Thể dục cũng phải xinh” – tôi bắt gặp một cái “tút” như thế, kèm theo một cái liếc mắt rất tình của một người khác trong nhóm bạn đã thừa tiêu chuẩn để sinh hoạt ở Hội Người cao tuổi. “Phây” thật đem đến nhiều thú vị cho người già. Khởi động thể dục cũng đăng hình, kèm “tút”. Kết thúc buổi tập, lại có “tút” thông báo. Nhìn “tút” ấy cũng biết đây là người chỉn chu, làm gì cũng có đầu, có cuối một cách đàng hoàng.
Bữa tiệc hôm ấy bỗng nhiên khiến tôi quan tâm hơn đến công dụng của “phây” với lớp lão niên. Tôi đọc được thông tin khá thú vị là từ năm 2016 các trường đại học ở Mỹ đã công bố một nghiên cứu, rằng mạng xã hội, cụ thể là facebook giúp người ta sống lâu hơn. Việt Nam chưa có nghiên cứu tương tự. Nhưng lợi ích của chơi “phây” là hết sức rõ ràng. Người già có thêm phương tiện kết nối, giao lưu với con cháu mà chẳng mất công thăm nom. Người già từ chỗ chỉ biết “sinh hoạt” là quán nước vỉa hè với đàn ông, cái chợ, góc bếp với phụ nữ, giờ là bạn ở cả bốn phương trời. Tôi sực nhớ những lần đi ra đầm sen bên hồ Tây, ra vườn đào Nhật Tân, bãi đá sông Hồng hay phố đi bộ Phùng Hưng… Quả tình, những cuộc hy sinh vì nghệ thuật nhiếp ảnh nơi ấy có rất nhiều “cây cao bóng cả”. U50, U60, U70 đủ cả. Chỉ tại mình thiếu quan sát nên giờ mới nhận ra.
Chúng ta vẫn hay nói giới trẻ mê facebook. Thực tế chúng ta đã lầm. Facebook chẳng của riêng ai. Trẻ có cái thú của trẻ, thì lão niên có cái vui của người già. Trung niên và cao niên chơi facebook ngày một nhiều hơn.
Nhưng facebook không phải không có mặt trái. Có nhiều câu chuyện về giới trẻ mải mê “sống ảo”, “cuồng like” dẫn đến bao hệ lụy. Những lão niên đều có con, có cháu – những đứa trẻ ở tuổi chưa biết phân biệt rõ đúng sai, chưa biết lợi – hại của facebook. Những facebooker đang sinh hoạt ở Hội Người cao tuổi sẽ ăn nói ra sao nếu chẳng may có đứa mê “phây” mà lơ là nhiệm vụ chính học hành…