Lan tỏa văn hóa đọc tới bằng hành động

15:25, 25/05/2018

Đó là mục tiêu hoạt động của Dự án “Sách và hành động tỉnh Thái Nguyên” nhằm mang tri thức đến cho học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường THPT và chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, Dự án đã có 15 câu lạc bộ (CLB) tại 3 trường đại học và 12 trường THPT, giúp lan tỏa thông điệp về ý nghĩa của việc đọc sách tới đông đảo học sinh, sinh viên cũng như cán bộ nhân viên trong nhà trường.

Sách và hành động là dự án phi lợi nhuận ra đời năm 2014 tại T.P Hà Nội với các hoạt động chính là thành lập và phát triển câu lạc bộ sách tại các trường THPT, cao đẳng và đại học. Mục đích chính là phát triển văn hóa đọc và tinh thần dám hành động. Đến nay, Dự án đã có mặt ở hơn 30 tỉnh thành của cả nước. Trong đó, Thái Nguyên là 1 trong 5 dự án thành viên bao gồm các tỉnh, thành phố: Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh. Được thành lập từ tháng 4-2017, Dự án “Sách và hành động Thái Nguyên” đã phát triển rộng khắp, góp phần khuyến khích văn hóa đọc cho tất cả học sinh, sinh viên đang sinh sống, học tập trên địa bàn. Từ 12 thành viên ban đầu, Dự án đã phát triển thành 23 thành viên chủ chốt và hơn 300 tình nguyện viên ở 15 câu lạc bộ tại 3 trường đại học, các trường THPT trên địa bàn T.P Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ…

Thời gian đầu, Dự án gặp khá nhiều khó khăn bởi việc thành lập các CLB nhằm phát triển thói quen đọc sách còn khá lạ lẫm. Vì thế khi xin thành lập CLB ở trường học chưa nhận được sự tin tưởng từ Ban Giám hiệu các trường. Anh Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm Dự án “Sách và hành động tỉnh Thái Nguyên” tâm sự: Quá trình thành lập CLB ở Trường THPT Trại Cau (Đồng Hỷ) khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhất. Ban đầu, Ban Giám hiệu chưa đồng ý, chúng tôi chuyển sang tìm những học sinh đam mê sách lập thành một nhóm. Sau đó hướng dẫn các em về ý nghĩa, cách hoạt động của Dự án; tổ chức các buổi cho mượn sách và bán hàng gây quỹ… Sau gần 3 tháng, hiểu được mô hình của Dự án cũng như hiệu quả đem lại cho học sinh, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đồng ý và tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho CLB phát triển. Đến nay, CLB Sách và hành động của trường đã có 30 thành viên và hơn 100 đầu sách về văn học, lịch sử, tâm lý, tư duy… cho học sinh trong trường mượn 1 lần/tuần.

Với 50 đầu sách được Dự án cam kết tài trợ ban đầu, mỗi CLB phải tự tổ chức hoạt động truyền thông trong để kêu gọi sự ủng hộ từ bạn bè, thầy cô giáo. Chính nhờ những hoạt động đó, văn hóa đọc sẽ được xây dựng từng ngày và từng bước phát triển ra toàn trường và xã hội. Ngoài truyền thông, các CLB cũng tự phải nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách từ ngay chính tình nguyện viên bằng các hoạt động như: Cùng nhau đọc sách buổi tối trung bình 1 tuần/lần; tổ chức “Thiền trà” để chia sẻ nội dung của những cuốn sách hay hoặc buồn, vui xảy ra trong cuộc sống; cho mượn sách miễn phí... Ngoài ra, để rèn luyện tinh thần hành động, không bỏ cuộc trước khó khăn, một số câu lạc bộ còn tổ chức chạy bền vào Chủ nhật hàng tuần. Trưởng ban Hạnh phúc của Dự án, sinh viên Phạm Thị Lâm, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) kể: Áp lực học tập, cuộc sống sẽ khiến nhiều tình nguyện viên dễ nhụt chí nên Dự án thường xuyên liên lạc hoặc đến trực tiếp các câu lạc bộ để tổ chức các trò chơi tập thể, hoạt động thiền trà, chia sẻ những khó khăn đang gặp phải và định hướng cách giải quyết. Đồng thời, tổ chức các sự kiện để tạo phong trào thi đua giữa các CLB góp phần gắn kết tình cảm giữa các tình nguyện viên.

Các hoạt động của Dự án đã đem lại những phản hồi khá tích cực từ phía các nhà trường có CLB. Đánh giá về tác động của Dự án, chị Mai Thùy Linh, Bí thư Đoàn Trường THPT Phú Lương cho hay: Sau gần 1 năm thành lập, CLB Sách và hành động của trường ngày càng thu hút nhiều học sinh tham gia. Phần lớn sau khi vào CLB các em đều trưởng thành hơn và có kết quả học tập khá tốt. Vì thế, Nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho CLB tổ chức sự kiện lồng ghép với hoạt động ngoại khóa để lan tỏa thông điệp văn hóa đọc tới học sinh toàn trường.

Từ ngày tham gia câu lạc bộ, em Nguyễn Thị Hoài, Trường THPT Chu Văn An, (T.P Thái Nguyên) cũng cảm nhận được sự thay đổi trong cách ứng xử của chính mình. Em tâm sự: Tuy mới tham gia 2 tháng nhưng em đã luyện được thói quen đọc sác 2 tiếng/ngày, mỗi cuốn sách đọc 3 lần để nhớ và hiểu sâu hơn. Nhờ đọc sách thường xuyên, em đã được trang bị nhiều kiến thức quý giá, có kỹ năng trong cuộc sống, biết suy nghĩ trước khi quyết định một việc gì đó và đặc biệt là cảm thấy yêu cuộc sống hơn.

Trong thời gian tới, Dự án “Sách và hành động Thái Nguyên” sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động theo các chiến dịch về sách của Dự án tổng tại T.P Hà Nội, nhằm mục tiêu gắn kết các CLB thành viên, nâng cao chất lượng tình nguyện viên, từ đó phát triển cộng đồng đọc sách trong các trường, cũng như cho người dân trên địa bàn tỉnh.