Đại Từ được thiên nhiên ưu ái dành tặng cảnh sắc hữu tình với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, ngoài ra, nơi đây còn có các di tích lịch sử. Sẵn lợi thế này, những năm gần đây, huyện Đại Từ đã có những hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này nhằm từng bước đưa Đại Từ trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái và văn hóa tín ngưỡng.
Điểm du lịch quan trọng nhất ở Đại Từ là hồ Núi Cốc với phần nhiều diện tích của khu du lịch nổi tiếng này nằm trên địa bàn huyện. Đây là khu du lịch hấp dẫn với hồ nước mênh mông trong xanh được bao quanh bởi các dãy núi cao hùng vĩ và ở giữa có nhiều đảo nhỏ vừa mang nét hoang sơ, vừa mang vẻ đẹp lãng mạn, trữ tình. Khu du lịch đẹp như một bức tranh thủy mặc này chính là trọng điểm du lịch của cả tỉnh. Bên cạnh điểm nhấn Núi Cốc, trên địa bàn huyện còn có các khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tam Đảo trải dài trên 11 xã của huyện với nhiều hồ, suối đẹp như: Suối Kẹm, Cửa Tử, Đát Đắng, Vai Miếu… Các con suối ở đây đều bắt nguồn từ chân dãy núi Tam Đảo nên nước trong mát, tinh khiết, môi trường trong lành và cảnh vật nên thơ.
Ngoài các điểm du lịch trên, trên địa bàn huyện còn có 169 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong đó có nhiều di tích đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia và được đầu tư xây dựng thành điểm tham quan như: Núi Văn - Núi Võ ở khu vực thuộc 2 xã Văn Yên và Ký Phú; Di tích lịch sử 27-7 - nơi ra đời Ngày Thương binh, liệt sĩ, thị trấn Hùng Sơn; Khu di tích Chiến khu Nguyễn Huệ, Khu đài tưởng niệm Thanh niên xung phong, xã Yên Lãng; Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, xã La Bằng…
Huyện Đại Từ có tổng diện tích tự nhiên gần 57.800ha, trên 165.300 nhân khẩu, với 8 dân tộc anh em cùng chung sống là Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay, Dao, Sán Dìu, Hoa, Ngái... Vì thế, văn hóa dân tộc ở đây cũng phong phú và có nhiều nét độc đáo. Nhận thức được thế mạnh của mình, thời gian qua, huyện đã thực hiện rà soát và xác định những điểm có giá trị về văn hóa, khoa học, lịch sử để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh và Quốc gia. Đến nay, toàn huyện có gần 40 di tích cấp tỉnh và 8 di tích Quốc gia. Trên cơ sở các di tích đã được xếp hạng, huyện xác định nhu cầu tôn tạo, tu sửa. Qua đó, nhiều di tích đã được trùng tu khang trang như: Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7, thị trấn Hùng Sơn; Đền Gàn, xã Vạn Thọ; nơi công bố Quốc thư đầu tiên, xã Tiên Hội; Di tích Núi Văn, Núi Võ xã Văn Yên; Nơi ra đời Đội Thanh niên xung phong, xã Yên Lãng; đền Sảng, xã Ký Phú… Bên cạnh đó, huyện đã tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian như: Hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày; Lễ Cấp sắc, Tết Nhảy của dân tộc Dao; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu… Qua đó, tạo nên sự độc đáo, phong phú trong văn hóa ở các địa phương. Nhờ vậy, một số địa điểm văn hoá, lịch sử, điểm có lợi thế khai thác du lịch bước đầu đã được du khách biết đến, bước đầu quản lý, khai thác có hiệu quả. Ngoài ra, huyện đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nhằm tạo điều kiện để khách du lịch đến với Đại Từ được thuận lợi.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thiện hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch trên địa bàn, đồng thời hình thành 2 tour chính là: Hồ Núi Cốc - Di tñch 27-7 - nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - khöng gian văn hóa trà La Bằng - Di tñch thanh niên xung phong - Di tích Nguyễn Huệ - Định Hóa - Tuyên Quang và Hà Nội - Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc - Hồ Gò Miếu - Di tñch 27-7 - Di tích Núi Văn, Núi Võ - Hồ Núi Cốc. Tính riêng năm 2017, toàn huyện đã đón gần 30 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch, đấy là chưa kể số lượng lớn khách đến tham quan tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc.
Đây là kết quả bước đầu trong phát triển du lịch ở Đại Từ. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng. Vì thế, thời gian tới, với mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch, đặc biệt chú trọng đến những lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, di tích lịch sử, văn hóa… huyện sẽ tập trung xây dựng 2 loại hình du lịch chính là: Du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa - tín ngưỡng. Từ đó từng bước đưa du lịch trở ngành ngành kinh tế có vị trí trong cơ cấu kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Để làm được như vậy, hiện nay, Đại Từ đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích đủ điều kiện, tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả giá trị của các điểm du lịch, di tích. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư đối với lĩnh vực này, nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để các nhà đầu tư thực hiện dự án du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các tuor, tuyến du lịch trên địa bàn. Bên cạnh những lợi thế phát triển du lịch hiện có, huyện cũng cam kết sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư giải quyết nhanh, gọn các thủ tục đầu tư, tạo cơ chế chính sách thông thoáng về mặt bằng cũng như các điều kiện khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, huyện cũng sẽ xem xét, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực và có phương án đầu tư phù hợp, đặc biệt chú trọng đến vấn đề tác động môi trường và giải quyết việc làm cho lao động địa phương để du lịch Đại Từ phát triển một cách bền vững.