Rà soát việc quản lý các trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp

15:36, 25/08/2022

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông báo cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch công phu, đúng trình tự thủ tục theo quy định của Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua ngày 24-11-2017 (gồm cả tên quy hoạch).

Tuy nhiên, đây là quy hoạch đa ngành, lĩnh vực, quy hoạch có sự biến động nhanh chóng, khó dự đoán do sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó có lĩnh vực đã có quy hoạch, đang thực hiện (báo chí), có lĩnh vực chưa có quy hoạch (thông tin điện tử), có lĩnh vực quy hoạch đã hết thời hạn thực hiện (thông tin đối ngoại, xuất bản, in, phát hành). Riêng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dựa trên Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông, khẩn trương rà soát việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, việc quản lý các trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và đối chiếu với các quy định của Đảng về quản lý báo chí để xác định các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu sâu hơn, bảo đảm quy hoạch được xây dựng phải phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành, lĩnh vực, đặc biệt cần có dự báo, đánh giá về xu thế phát triển đến năm 2050 trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng.

Trong trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thấy chưa thể ban hành, thực hiện Quy hoạch này sớm thì cần đề xuất các giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, bảo đảm tạo điều kiện để lĩnh vực này phát triển đúng định hướng.

Theo Hà Nội mới