TP. Phổ Yên có hệ thống các di tích phong phú, trong đó có những di tích lịch sử gắn với sự phát triển của đất nước. Để giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích, thành phố luôn quan tâm công tác bảo tồn, tôn tạo. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, Phổ Yên đã tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích. Đến nay, 48/65 di tích trên địa bàn đã được xếp hạng và tôn tạo.
Đền Đỗ Cận, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân địa phương. |
TP. Phổ Yên hiện có tổng số 65 di tích, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng, mang dấu ấn lịch sử của đất nước. Đây là nguồn tài nguyên quý giá cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Phổ Yên luôn chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích.
Theo đó, thành phố thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích. Đến nay, thành phố có gần 50 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 8 di tích cấp Quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh, còn lại 17 di tích chưa được xếp hạng.
Từ năm 2016 đến nay, TP. Phổ Yên đã phối hợp khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng 13 di tích. Với các di tích đã được xếp hạng, địa phương thành lập ban quản lý, đề ra quy chế hoạt động. Từ đó công tác bảo vệ, chăm sóc, vệ sinh khu di tích được quan tâm thực hiện, nhiều di tích thường xuyên đón các đoàn đến tham quan hoặc tìm hiểu thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học, lịch sử.
Cùng với đó, thành phố đặc biệt chú trọng huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích. Đơn cử như đền Lục Giáp, nằm trên địa bàn xóm Dương, xã Đắc Sơn. Đây vốn là một ngôi miếu cổ, qua thời gian đã được nhân dân trùng tu, tôn tạo, mở rộng thành ngôi đền thờ danh nhân Dương Tự Minh - người đã có công giữ yên bờ cõi phía Bắc của nước Đại Việt. Với ý nghĩa đó, đền Lục Giáp sớm được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm thời gian, một số hạng mục của đền Lục Giáp đã xuống cấp. Do đó, năm 2020, TP. Phổ Yên quyết định đầu tư trên 23 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích. Ông Hồ Việt Quân, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử đền Lục Giáp, cho biết: Từ khi được tôn tạo, người dân địa phương rất phấn khởi, nhiều người thường xuyên công quả bằng cách tham gia dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh quanh đền. Vào ngày lễ hội (13 và 14-3 Âm lịch), người dân địa phương hội tụ đông hơn, tham gia các hoạt động cộng đồng do địa phương và Ban Quản lý tổ chức. Đền Lục Giáp cũng thu hút nhiều du khách thập phương đến để thực hiện các nghi lễ dâng hương, tế lễ, rước kiệu, đồng thời tham gia hát ví, đấu cờ, đấu vật, đua thuyền trên sông Công.
Chùa Hương Ấp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. (Ảnh: T.L) |
Nói đến việc tôn tạo các di tích ở TP. Phổ Yên không thể không nhắc đến Khu di tích lịch sử Quốc gia Lý Nam Đế, ở xã Tiên Phong. Khu di tích gồm đền Mục (thờ Đức vua Lý Nam Đế), chùa Hương Ấp (nơi gắn với tuổi thơ của vua Lý Nam Đế) và chùa Mãn Tăng (nơi lưu giữ truyền thuyết, huyền thoại gắn với vua Lý Nam Đế). Cùng với đó, thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong đã được xác định là quê hương của vua Lý Nam Đế - người đầu tiên xưng Đế và dựng nước Vạn Xuân, khai sinh ra nền độc lập tự chủ đầu tiên của nước Việt.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo đền thờ vua Lý Nam Đế để bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích, với diện tích 7.500m2, tổng mức đầu 60 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 48 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Tiếp theo đó, năm 2020, với mục tiêu đưa Khu di tích Lý Nam Đế trở thành thương hiệu của Quốc gia, tỉnh Thái Nguyên đã phê chuẩn quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị địa danh này. Theo đó, Khu di tích được quy hoạch tổng thể với diện tích trên 54ha, trong đó, đền Mục là 44ha, các điểm còn lại mỗi điểm 5ha. Ngoài các hạng mục chính, Khu di tích còn có các hạng mục chức năng, như: Tượng đài vua Lý Nam Đế, khu công viên cảnh quan sinh thái, khu dịch vụ, vườn hoa, hồ cảnh quan...
Hiện nay, Khu di tích Lý Nam Đế đang được thực hiện giai đoạn 1 là tu bổ, tôn tạo Di tích đền thờ vua Lý Nam Đế, với tổng mức đầu tư trên 260 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP. Phổ Yên và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Ngoài các di tích trên, đến nay, hầu hết các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trên địa bàn TP. Phổ Yên đều đã được đầu tư xây dựng. Bên cạnh công tác tôn tạo, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, phổ biến đến các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về việc bảo vệ và phát huy các giá trị các di tích lịch sử văn hóa, để mỗi người nhận thức rõ ý nghĩa của việc gìn giữ di tích, trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ di tích.
Các xã, phường cũng thường xuyên tổ chức các đoàn cán bộ, các tổ chức đoàn thể, học sinh đến tham quan, tìm hiểu về các di tích. Qua đó, người dân thêm trân trọng những giá trị văn hóa. Trong tương lai, TP. Phổ Yên sẽ đưa các di tích vào xây dựng các tour, tuyến du lịch để thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin