Truyền dạy văn hóa phi vật thể

Vũ Công 17:35, 13/11/2022

Xác định việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số là rất cần thiết, những năm qua, các câu lạc bộ (CLB), nghệ nhân trên địa bàn tỉnh luôn tích cực truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ. Thông qua hoạt động này, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được kế thừa, lưu giữ.

Các thành viên CLB hát Sấng cọ xã Na Mao (Đại Từ) dạy hát, múa cho các cháu thiếu nhi.
Các thành viên CLB hát Sấng cọ xã Na Mao (Đại Từ) dạy hát, múa cho các cháu thiếu nhi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 50/51 dân tộc thiểu số, với trên 384 nghìn người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Với nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống đã tạo nên bức tranh đa dạng về bản sắc văn hóa truyền thống. Mỗi dân tộc đều lưu giữ được những nét văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc mình. 

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 17 di sản đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản cấp Quốc gia, gồm: Múa Tắc xình, hát Sấng cọ, Lễ hội Cầu mùa (dân tộc Sán Chay), Lễ Cấp sắc, Nghi lễ Tết nhảy, hát Pả dung (dân tộc Dao), Rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ, Nghi lễ Then, Lễ hội Lồng Tồng, Lượn cọi (dân tộc Tày), hát Soọng cô, Nghi lễ Cấp sắc (dân tộc Sán Dìu), Nghi lễ Hét khoăn, Nghi lễ Cấp sắc (dân tộc Nùng), Lễ hội Đền Đuổm (Phú Lương), Lễ hội đình Phương Độ (Phú Bình), Nghệ thuật Khèn của người Mông. Đặc biệt, năm 2016, Then Tày - Nùng - Thái đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Song hành với việc được vinh danh các di sản thì câu chuyện truyền dạy văn hóa phi vật thể cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là với các nghệ nhân ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

Đơn cử như tại xã Na Mao (Đại Từ), để truyền dạy điệu hát Sấng cọ cho thế hệ trẻ, hàng năm, CLB hát Sấng cọ của xã đều dạy hát, múa cho 10-30 cháu học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Bà Lương Thị Hương, Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Từ khi thành lập CLB (năm 2017) đến nay, cùng với việc tham gia biểu diễn tại địa phương và đi giao lưu, các thành viên CLB còn tích cực truyền dạy những bài hát Sấng cọ cho các cháu nhỏ… Cháu Hoàng Ngọc Hà, 11 tuổi, vui vẻ cho biết: Cháu theo bà đến CLB học hát, múa từ năm lên 7 tuổi. Hiện nay, cháu đã tự hát được khoảng 10 bài và múa được các điệu mà các ông, bà trong CLB truyền dạy.

Còn với bà con dân tộc Sán Chay ở xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) lại truyền dạy cho thế hệ trẻ điệu múa Tắc xình. Hiện nay, ông Trần Văn Thổ, Chủ nhiệm CLB múa Tắc xình của xóm và chị Lý Thị Năm, thành viên CLB, đang truyền dạy cho 4 cháu trong xóm điệu múa này. 

Với bà con dân tộc Nùng ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) đã cử 2 nghệ nhân trong xóm truyền dạy điệu hát Sli cho các cháu thiếu nhi ở đây. Ông Lâm Văn Tự, Bí thư Chi bộ xóm, cho biết: Bà con dân tộc Nùng có Nghi lễ Hét khoăn, Nghi lễ Cấp sắc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Thời gian qua, 2 nghệ nhân của xóm luôn tích cực truyền dạy điệu hát Sli cho thế hệ trẻ. Đến nay trong xóm đã có 10 cháu từ 10-18 tuổi hát được điệu này…

Được biết, hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đều xây dựng các mô hình, mẫu hình làng bản văn hóa ở cơ sở; hỗ trợ xây dựng các CLB văn hóa truyền thống. Từ đó góp phần quan trọng đưa văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh.


Từ khóa:

văn hóa phi vật thể

di sản