Cẩn trọng khi đưa vật lạ vào di sản

Theo NDĐT 10:43, 14/02/2023

Ngày 13-2, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho thu hồi số tượng người đặt trên cầu dẫn vào Ngọ môn Huế sau ba ngày cho phép đặt trưng bày với lý do “không phù hợp với không gian”. Việc thu hồi này liệu có thể xem là tiền lệ để Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp tục giải quyết số vật lạ đang được treo, móc, đặt trong di sản đã tồn tại từ nhiều năm qua?

Bộ tượng đặt ở vườn Thiệu Phương, Đại nội Huế.
Bộ tượng đặt ở vườn Thiệu Phương, Đại nội Huế.

Người dân, du khách đến Huế ba ngày qua không khỏi giật mình trước hàng tượng đặt hai bên cầu Kim Thủy dẫn vào Ngọ Môn, Đại Nội Huế. Ngoài những lý do thuộc về cảm quan thẩm mỹ, điều làm người ta giật mình hơn cả là từ xưa đến nay, trên chiếc cầu thuộc hệ thống di sản thế giới này chưa từng xuất hiện những bức tượng người. Vì thế, sự xuất hiện của nhóm tượng có thể xem là một sự xâm lấn đã được cho phép. Điều này trái với các nguyên tắc về bảo tồn.

May là sau khi nắm được ý kiến trái chiều từ dư luận, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đưa số tượng nói trên ra khỏi khu vực cầu Kim Thủy. Được biết, đây là số tượng mà một họa sĩ đang công tác tại Đại học Nghệ thuật Huế phối hợp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện có chủ đề “Bóng Huế xưa”.

Bộ tượng đã được làm xong và đặt trưng bày từ ngày 20-1, tại vườn Thiệu Phương - khu vườn Thượng uyển trong Đại nội Huế như một tác phẩm sắp đặt. Sau khi đưa ra cầu Kim Thủy nhưng bị phản đối, số tượng lại được thu về đây.

Có thể nói, sử dụng không gian Đại nội Huế - nơi được xem là biểu tượng của triều đình Nhà Nguyễn để tổ chức trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật là việc không còn mới. Tuy nhiên, trong số một cuộc triển lãm từng tổ chức ở đây đã cho thấy sự dễ dãi khi đưa vật lạ vào không gian di sản như đợt triển lãm tác phẩm sắp đặt tứ linh sau Điện Cần chánh, mô phỏng đôi kim ấn phía sau điện Thái Hòa... diễn ra ở các Festival Huế trước.

Hoặc gần đây là việc trưng bày 36 trang in lại từ bản chép tay Truyện Kiều tại thư viện Anh Quốc khi đang còn những ý kiến tranh luận về nguồn gốc tập sách. Hoặc hiện tại là bộ tranh gương đang triển lãm, trưng bày dọc hệ thống trường lang không có đủ thông tin cần thiết về nguồn gốc, xuất xứ... Trong khi đó, dưới thời nhà Nguyễn, tranh gương có đề thơ của các vị vua luôn được đối xử nghiêm túc, được treo ở những vị trí trang trọng như: điện Thái Hòa, điện Long An (Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế), Điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức), điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị)...

Trở lại bộ tượng vừa được cất ra khỏi cầu Kim Thủy, theo giới phê bình Mỹ thuật thì những hình nhân, hay còn gọi là tượng người đó nhìn rất giống các con nộm trên dòng tranh thờ cúng làng Sình (Huế). Nó không có gì liên quan tới một vườn thượng uyển và việc trưng bày nó cho dù dưới hình thức một tác phẩm sắp đặt thì nó cũng không đúng với bản chất của vườn.

Di sản triều Nguyễn được công nhận từ 1993 là di sản thế giới, điều này dựa trên những công trình cảnh quan hiện tồn, như vậy vấn đề đặt ra, để thay đổi cả một ý thức hệ, thay đổi cả một chức năng nhiệm vụ của cả một công trình kiến trúc, thì các cơ quan quản lý cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.

Vì vậy, ngoài việc không sử dụng nó trong không gian di sản thì các cơ quan quản lý cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, thậm chí có thể đặt ra các nguyên tắc để di sản luôn được bảo tồn, phát huy.