Kỉ vật của lời tuyên thệ

Truyện ngắn của Phan Thái 18:00, 12/02/2023

Từ sáng sớm, cha tôi đã trở dậy, ông ngồi rất lâu trong căn phòng trưng bày. Hôm nay, những người bạn chiến đấu cùng sư đoàn năm xưa họp mặt kỷ niệm truyền thống. Gần chục năm nay, cha tôi dùng một phòng trong căn nhà của mình làm nơi lưu giữ hiện vật của đồng đội và giới thiệu cho mọi người tới thăm.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Khi từ bộ đội chuyển ngành về làm công nhân Nhà máy Gang thép, gia tài của cha tôi chỉ là chiếc ba lô đựng hai bộ quần áo, chiếc bi đông và bát sắt tráng men đã sứt. Cha tôi giữ gìn cẩn thận như món đồ quý giá. Một lần mở tủ lấy ra phơi, cha tôi kể: Bộ quần áo có vết rách và thâm đen là vết đạn và máu đồng đội đã hy sinh, ông mặc khi cùng sư đoàn trên đường tiến quân giải phóng Sài Gòn. Bộ mới hơn ông mặc sáng 29 tháng 4. Hôm đó nhận lệnh của chỉ huy đúng giờ D sẽ đồng loạt nổ súng và tiến vào thành phố, không ai bảo ai, những người lính đều lấy bộ quần áo mới nhất để mặc. Cái bát và bi đông nước, cha tôi bảo những người lính coi đó như vật bất ly thân. Hành quân chiến dịch hoặc giữ chốt, bi đông đựng nước là thứ không thể thiếu…

Nhiều lần cha tôi được đơn vị cũ liên hệ triệu tập đi tìm và quy tập hài cốt liệt sĩ, vì ông là người trực tiếp chôn cất nhiều chiến sĩ hy sinh. Lần nào cha tôi cũng mang về một số hiện vật còn lại trên các chiến hào, hoặc nơi an táng đồng đội.

Một đêm thấy mùi hương tỏa khắp nhà, tôi tỉnh giấc thấy cha ngồi trước ban thờ chắp tay lầm rầm khấn vái. Tôi lại gần, ông nhỏ nhẹ: “Bố mơ thấy đồng đội trở về. Cái đầu đạn này bố nhặt từ hài cốt chú Phác, mảnh đạn pháo kia trong hộp sọ chú Đông”…

Có rất nhiều đầu đạn, mảnh đạn pháo, mảnh bom nằm trong các hài cốt liệt sĩ. Những hiện vật ấy cái có tên, cái vô danh được cha tôi cẩn thận bọc trong các túi ni lông. Qua vài buổi họp mặt, số hiện vật của cha tôi lưu giữ ngày càng nhiều lên do đồng đội góp lại.

Một chiếc xe con đỗ xịch ngoài cổng. Xuống xe là một cựu sĩ quan mang quân hàm Đại tá, ngực lấp lánh huy hiệu cựu chiến binh và huân, huy chương. Cha tôi và những người đồng đội chạy ùa tới ôm chầm lấy ông mừng rỡ:

- Trời ơi! Thủ trưởng Hiếu. Bọn em nghe nói thủ trưởng ở trong Nam, vẫn nhận quà của thủ trưởng mà không có điều kiện vào thăm.

Người thủ trưởng cũ của cha tôi cười tươi, nhưng nước mắt giàn giụa:

- Anh em mình bên nhau giữa bom đạn, giờ mỗi người một nơi, gặp được nhau thế này thì còn gì bằng. Sau giải phóng, tôi lại tiếp tục cùng đơn vị bảo vệ biên giới Tây Nam, sang cả Campuchia… Lần này ra Bắc dự hội nghị, tôi bảo thằng cháu đưa xe lên đây.

Ông đi một vòng, rưng rưng ngắm nhìn từng hiện vật trong phòng trưng bày của cha tôi. Đứng trước tủ kính đặt đầu đạn lấy từ hài cốt Liệt sĩ Phác, ông bất chợt hỏi:

- Cậu Phác kết nạp Đảng cùng anh Thạch tại trận địa cầu An Thới đã tìm thấy hài cốt rồi ư? Tôi không ngờ vừa kết nạp Đảng, một lúc sau cậu ấy hy sinh.

- Vâng! Cha tôi ngậm ngùi - Em chôn cất cậu ấy dưới gốc cây long não, chỉ kịp đặt hòn đá làm dấu. Cây long não không còn nên mất nhiều ngày mới tìm thấy mộ. Em vẫn còn giữ được mảnh giấy của thủ trưởng kết nạp Phác vào Đảng đây ạ!

Vừa nói, cha tôi vừa mở cuốn sổ tay để trong ngăn tủ lấy ra mảnh giấy nhỏ vuông vắn. Đó là mảnh giấy bao bì dùng để gói chè, cha tôi ép trong giấy bóng kính, mảnh giấy mặt ngoài in nhãn hiệu Chè Hương của Xí nghiệp chè Bắc Thái, mặt trong là mấy dòng chữ: “Chi bộ Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 633… Kết nạp đồng chí Trần Văn Phác và Phan Ngọc Thạch vào Đảng tại trận địa An Thới ngày 25/4/1975. Thay mặt Chi bộ: Bí thư, Chính trị viên: Vũ Ngọc Hiếu”.

Tôi chưa từng nhìn thấy mảnh giấy nhỏ này và cũng chưa bao giờ được cha kể chuyện kết nạp Đảng trên trận địa. Thấy tôi đứng bên cạnh chăm chú, người thủ trưởng đặt tay lên vai tôi chậm rãi: - Trong trận đánh căn cứ và cầu An Thới, Đại đội trưởng hy sinh, bác được cấp trên giao chỉ huy đơn vị chốt chặn địch phản công phá cầu cản đường tiến quân của ta. Đại đội thiếu quân số chưa được bổ sung, chỉ còn mấy chục chiến sĩ, nhưng toàn đơn vị vẫn chiến đấu kiên cường. Chi bộ lúc đó chỉ còn mình bác và một đồng chí nữa đã bị thương. Bác nghĩ: Những người sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng của Đảng đều xứng đáng trở thành đảng viên. Sau khi hội ý chớp nhoáng, bác quyết định kết nạp hai đồng chí vào Đảng. Lúc đó toàn đơn vị ai cũng xứng đáng, nhưng bác chọn hai đồng chí tiêu biểu nhất. Ngay tại vị trí chiến đấu, chỉ với lá cờ cách mạng cắm trên điểm chốt, bác tuyên bố kết nạp... Ít phút sau, địch phản kích dữ dội. Đồng chí Phác và bố cháu đã tuyên thệ bằng máu của mình. Bố cháu chỉ bị thương nhẹ và tiếp tục chiến đấu.

Tôi lặng người, ngạc nhiên;

-  Sao bác lại phải viết trên mảnh giấy gói chè này ạ?

- Giữa trận địa, tìm đâu ra giấy hả cháu. Trên chiến trường bộ đội luôn nhận được các món quà từ hậu phương, trong đó có chè Bắc Thái. Trong ba lô, bác còn lại một gói chè vì chưa kịp đun nước pha cho anh em uống. Bác viết vào mảnh giấy này, đề phòng trường hợp bác hy sinh, tổ chức có cơ sở ra quyết định.

Tôi chưa kịp nói câu gì thì người thủ trưởng đã quay sang cha tôi: - Đây cũng là một hiện vật có ý nghĩa, sao anh cất kỹ thế?

 Cha tôi gãi đầu, lúng túng:

- Dạ! Mỗi chiến công đều có xương máu của bao nhiêu người. Em luôn coi mảnh giấy này là kỉ vật của lời tuyên thệ, và… chỉ dám giữ riêng mình thôi!

Mọi người ngỡ ngàng khi biết cha tôi bấy lâu nay đưa ra trưng bày, giới thiệu kỷ vật thuộc về đồng đội, nhưng lại giữ kín kỷ vật của ông.

Nhìn những gương mặt đồng đội của cha, tôi bất chợt trào lên một cảm xúc thật kỳ lạ. Không để vuột mất hình ảnh sống động, tôi bấm máy ảnh và tin trong trái tim những người lính trận, hương chè quê năm xưa trên chiến hào còn thơm mãi. Nhất định tôi sẽ xin phép cha được gìn giữ kỉ vật của lời tuyên thệ trong cuộc đời ông.