Lặng lẽ trong đời

Truyện ngắn của: Hồ Quỳnh Châu 15:29, 24/12/2022

Trong nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim, tôi gặp cảnh tượng lạ: Một người đàn ông lấy áo của mình cặm cụi lau hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác. Thấy tôi vừa đi vừa quay lại nhìn, “ông xã” nói:

- Chắc là người ăn mày vào các ngôi mộ xem mọi người thắp hương có gì lấy ăn cho đỡ đói. Em có tiền lẻ cho họ vài nghìn.

Nghe chồng nói vậy nhưng tôi vẫn thắc mắc:

- Sao ông ấy cứ lau hết ngôi mộ nọ sang ngôi mộ kia vậy anh?

Chồng tôi tỏ vẻ sốt ruột:

- Thì thấy có người vào họ ngại nên vờ làm vậy chứ sao. Em lúc nào cũng lo chuyện bao đồng. Nhanh lên không muộn rồi. Anh đã hẹn với mấy người bạn tám giờ sang đền Bà Chúa Kho. Mình kinh doanh phải chịu khó đi lễ chứ.

Thấy tôi xị mặt tỏ vẻ không vui, “ông xã” dịu giọng:

- Năm ngoái, anh thắp hương cho ông nội xong, đợi hương tàn để hoá vàng, tranh thủ chạy đi mua bao thuốc, quay lại đã chẳng thấy lễ đâu. Nhìn xung quanh thấy có một người ăn xin xách túi đồ lễ anh vừa cúng. 

Tuy chồng nói vậy nhưng không hiểu sao thay vì ra xe tôi lại bước đến gần chỗ người đàn ông lau mộ.

Bác ấy làm rất chăm chú. Tôi đứng ngay bên cạnh mà bác không hay biết gì. Vì vậy tôi chắc chắn đây không phải là người ăn mày. Bác mặc cái quần bộ đội đã bạc màu, áo ba lỗ, vì áo ngoài đã cởi ra để lau mộ. Cái ba lô để bên cạnh rách vài chỗ. 

Tôi đoán bác không ở gần đây vì chiếc ba lô căng đầy đồ đạc cùng chiếc mũ cối, một chai nước lọc. Xung quanh không thấy chiếc xe máy hay xe đạp nào đỗ ở cổng nghĩa trang. Nghĩa là bác đã đi bộ vào.

Tôi liếc nhìn những ngôi mộ liền nhau và giật mình khi thấy tất cả đều ghi cùng một ngày mất: 24/12/1972.

Tôi nhớ ra vụ máy bay B52 của Mỹ ném bom đêm đó đã cướp đi sinh mạng của 60 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. Nhưng người đàn ông này là ai? Quan hệ thế nào với những liệt sĩ này? Nếu đại diện cơ quan hay tập thể thì phải đi theo đoàn. Nếu viếng người thân thì phải đến đúng ngôi mộ đó mà hương khói chứ, như tôi chỉ đặt lễ vào mộ anh mình rồi thắp hương thêm ở các mộ xung quanh. Tò mò, tôi ngồi xuống cạnh người đàn ông bắt chuyện:

- Chắc bác ở xa tới ạ?

Người đàn ông giật mình ngẩng lên, nhưng vẫn không ngừng tay lau chùi, giọng dè dặt:

- Vâng, chào cô!

Tôi không dám hỏi gì hơn ngoài việc giúp bác phủi những chiếc lá bạch đàn khô trên mấy ngôi mộ còn lại. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Khi các ngôi mộ đã sạch sẽ, bác mở trong ba lô lấy ra một túi trứng luộc, mấy cái bánh chưng dài kèm theo bó hương lớn và một bịch nước lọc. Nhưng ngạc nhiên hơn là còn có một túi đựng đầy gương, lược. Bác cắt những chiếc bánh chưng thành từng lát, bỏ mỗi lát vào một chiếc đĩa nhựa rồi đặt lên mảnh áo mưa màu cỏ úa, khẽ nói với tôi:

- Các cô chú ấy hầu hết là người Tày ở Bắc Kạn nên tôi gói theo kiểu bánh chưng dài như thế này. Khổ lắm, hôm đó đã kịp ăn uống gì đâu.

Gương mặt bác như tối lại. Đợi bác thắp hương xong, tôi mới mạnh dạn hỏi:

- Bác là người nhà của một trong những anh chị Đại đội 915 ạ?

Bác lắc đầu nhìn về phía xa xăm:

- Không cô ạ! 

Tôi càng tò mò hơn:

- Vậy có phải bạn thân hay người yêu của bác hy sinh trong ngày hôm đó không ạ?

Bác lại lắc đầu. Một lát lâu sau mới trả lời:

- Ngày ấy tôi là lái xe tải chở hàng thôi.

- Vậy à bác? Hôm ấy bác cũng có mặt ở ga Lưu Xá ạ?

Bác khẽ gật đầu:

- Sẩm tối ngày hôm đó, đoàn xe chúng tôi về đến ga Lưu Xá để chở gạo. Các cô ấy làm việc rất hối hả nên cũng chẳng có thời gian nói chuyện. Đến nhìn rõ một khuôn mặt cũng không thể.

Bác đưa mắt nhìn một lượt các ngôi mộ.

- Khi xếp gạo lên xe thì một bao trôi xuống. Tôi đứng trên thùng không kịp kéo lại. Một cô lao tới. Bao gạo vừa to vừa nặng, có lẽ còn nặng hơn cả người cô ấy.

Tôi lo lắng:

- Chị ấy có sao không bác? 

Tôi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe trên gương mặt khắc khổ của bác. 

Bác chép miệng:

- Người thì chẳng sao nhưng cái chốt ở thùng xe kẹt vào tay chảy khá nhiều máu. Tôi vội xé vạt áo buộc tay cho cô ấy. Vì thế mà chúng tôi mới có cơ hội nói với nhau vài câu. Tôi hỏi cô ấy có đau không, cô ấy còn cười: “Thế này ăn thua gì, như con kiến đốt thôi lố”.

Tôi chưa kịp hỏi tên thì cô ấy đã chạy đi, nói với lại: “Lần sau nhớ mua quà cho chúng em đấy!”

Tôi cũng vui vẻ:

- Nhất định rồi. Anh sẽ mua cho em một bộ gương lược thật đẹp. Đêm nay là Noel, nhớ cầu nguyện để chúng mình gặp lại nhau em nhé!

Rồi cô ấy tan biến vào bóng chiều chạng vạng.

Bác dừng lại, rồi nghẹn ngào:

- Sau đó mấy hôm, tôi nghe tin Đại đội 915 gặp nạn. Nhưng do chiến tranh, cho đến tận ngày ra quân tôi mới trở lại Thái Nguyên và tìm đến đây. Tên cô ấy tôi còn chưa biết, mặt mũi còn chưa tỏ, tất cả chỉ thấp thoáng trong bóng tối. Tôi đã đọc đi đọc lại thuộc hết tên các cô ở nghĩa trang này rồi, nhưng cũng chẳng phân biệt rõ ai. 

Tôi lẩm nhẩm đọc những cái tên mà với tôi từ trước đến giờ chỉ loáng thoáng mơ hồ: Ma Thị Chảy, Nông Thị Đanh, Tô Thị Giáp… Trong số họ ai là cô thanh niên xung phong năm xưa mang một vết thương nhỏ nhưng đã để lại một vết thương lòng sâu thẳm trong trái tim người lính lái xe? 

Tôi đi một vòng quanh những ngôi mộ, rồi quay lại chỗ bác:

- Năm nào bác cũng đến đây ạ?

- Thú thật với cô cũng chỉ vài năm tôi mới đến được một lần. Vì gia đình tôi tận trong Quảng Trị. Nhưng từ giờ đến lúc cuối đời, khi nào có điều kiện, tôi sẽ trở về đây cô ạ.

Tiếng chuông điện thoại “ông xã” gọi vang lên, tôi chào bác rồi vội vã ra về.

* * *

Đền Bà Chúa Kho.

Hơn tám giờ tối, người đi lễ vẫn đông nghịt. 

Một người đàn ông khệ nệ vác cái bụng như trống cái bước từng bước vất vả. Theo sau là năm sáu thanh niên lực lưỡng bê những mâm lễ ngồn ngộn. Bất chợt ông ta cầm mấy cọc tiền 200, 500 nghìn đồng tung lên. Đám người lao vào nhặt, xô tôi bắn vào góc sân đền.

Thấy tôi cứ đứng ngây người, một chị vỗ vai nhắc:

- Đi lễ mà không cầu xin gì à?

Bỗng hình ảnh người cựu chiến binh cùng vài cái bánh chưng, đùm trứng luộc để các cô thanh niên xung phong kịp ăn bữa cơm chiều lại hiện ra trước mắt tôi. Nếu như có cõi âm thì có lẽ giờ này các cô đang chải đầu, nghiêng mình soi gương mặt tràn trề sức xuân trong những chiếc gương trong vắt.