Món quà ý nghĩa

Truyện ngắn của Phan Thức 15:32, 11/12/2022

Cầm tờ giấy có chữ ký và dấu đỏ vừa được công an phường xác nhận, ông Chung nhìn đồng hồ, còn 1 tiếng rưỡi nữa đủ thời gian đến bưu điện lĩnh tiền.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Cách đây 30 phút trong sự nóng ruột, ông đứng trước căn phòng làm việc của công an phường đóng kín, có chiếc biển ghi “Ai có việc gì giải quyết, xin liên hệ số điện thoại…” ông thở dài lấy điện thoại ghi lại số và gọi với hy vọng mỏng manh. Đầu dây bên kia có tiếng trả lời “Bác đợi cháu 1 giờ nữa, cháu sẽ về giải quyết”. Ông trình bày lý do, tiếng đầu dây bên kia “Vậy thì bác đợi cháu 15 phút nữa”.

Vốn là cán bộ làm công tác tuyên huấn trong quân đội, ông Chung nghỉ hưu đã trên 10 năm, nhận thấy ở địa phương có một số phong trào, cá nhân có thể viết bài động viên. Những bài đầu tiên của ông đã được báo tỉnh sử dụng, ông phấn khởi lắm, thế là mỗi tháng vài lần ông lên các cơ quan của thành phố để nắm thông tin, rồi ông lại đến gặp gỡ chính quyền, đoàn thể các nơi đó, gặp gỡ nhân vật ông cần viết…

Ông dùng cả máy ảnh kỹ thuật số mà đứa con gái út tặng ông để chụp ảnh cho bài viết thêm sinh động. Mỗi tháng được các báo sử dụng vài bài, ông thấy vui, nhận ra việc làm có ích của mình. Dần dần ông làm cả thơ, viết truyện ngắn và được báo Văn nghệ tỉnh đăng.

Đầu năm nay, được biết chuẩn bị kỷ niệm 50 năm sự kiện 60 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh ở ga Lưu Xá, một số cơ quan báo chí tổ chức đợt tuyên truyền sự kiện này. Qua Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố, ông đã nắm được danh sách cựu thanh niên xung phong 915 đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

Rong ruổi trên chiếc xe đạp điện, ông đã đi gặp đủ những nhân vật mà ông được cung cấp. Trước đây, ông đã từng được nghe, được đọc và đã hiểu một phần về sự gian nan của thanh niên xung phong. Lần này ông càng thấy rõ hơn, trong đó có một số thanh niên xung phong do hoàn cảnh cá nhân, mặc dù đã được nhà nước đảm bảo các chế độ, đoàn thể nhân dân địa phương giúp đỡ, nhưng khó khăn vất vả vẫn còn không thể giải quyết một sớm một chiều. Trong số đó cựu thanh niên xung phong Lê Thị Thu có hoàn cảnh đặc biệt.

Bà Thu bố mẹ mất sớm, phải ở với  dì. 17 tuổi bà tình nguyện đi thanh niên xung phong. Hoàn thành nhiệm vụ bà về quê, gặp ông Tuân, bộ đội giúp bạn Lào chiến đấu trở về, mọi giấy tờ do chiến tranh ông không giữ được, vì vậy không giải quyết được chế độ. Ông cũng là người mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, phải ở với ông bác. Hợp duyên ông bà nên vợ nên chồng, ông bà sức khoẻ đều yếu, nhiều bệnh mãn tính, phải điều trị thường xuyên.

Ông bà sinh được bốn cô con gái, người con thứ hai đã gần 40 tuổi, bị bệnh tâm thần phân liệt từ nhỏ, điều trị mãi bệnh mới tạm ổn, nhưng hàng tháng vẫn phải uống thuốc. Khó khăn chồng chất trên đôi vai ông bà. Hôm ông Chung đến tìm hiểu thực tế, nhìn ba gian nhà cấp bốn làm đã được gần bốn mươi năm xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói xô lệch, ông đoán ngày mưa chắc gia đình phải dùng xô, chậu hứng nước. Vợ chồng ông bà Thu đã tìm mọi cách gắng gượng để vượt qua.

Về nhà ông viết bài “Nghị lực của một thanh niên xung phong”, kèm theo bức ảnh bà Thu đang cho người con tâm thần uống thuốc. Tháng trước bài viết của ông đã được báo Văn nghệ của tỉnh đăng, cách đây trên mười ngày bà chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố gặp ông và nói: Có người cầm tờ báo có bài viết của ông và nghẹn ngào bảo “Chị vẫn còn hội viên có hoàn cảnh khó khăn như thế này ư”?. Tờ báo đó ông cẩn thận gấp lại cất trong túi xách ấp ủ một điều.

Sáng hôm qua, bưu điện thông báo cho ông ra nhận tiền nhuận bút. Sau khi nghe ông trình bày lý do, cô nhân viên hỏi ông chứng minh thư. Ông ngẩn người ra: Chứng minh thư nhân dân công dân đã được thu lại để làm căn cước. Công an cũng không hẹn ông khi nào có căn cước mới. Ông lo lắng hỏi nhân viên bưu điện: “Có cách nào giải quyết được không?”. Cô nhân viên nhìn ông ái ngại, có chút cảm thông: “Chỉ còn cách ông lên công an phường lấy “mã số định danh cá nhân…, về đây cháu sẽ giải quyết cho ông”.

Đưa tờ giấy cho nhân viên bưu điện, ông vẫn chưa hết lo lắng: “Liệu tờ giấy có chữ ký và dấu đỏ kia còn có sai sót gì không?”. Đọc tờ giấy xong, cô nhân viên nhìn ông nhẹ nhàng: “Thế này là đủ rồi bác ạ, bác ký vào giấy, cháu sẽ cấp tiền cho bác”.

Ông thận trọng giở túi xách lấy tờ báo vuốt lại cho thẳng góc. Hàng chục bài viết của ông đã được đăng báo, riêng lần này ông thấy có điều gì linh thiêng như gửi gắm nỗi niềm sâu nặng trong lòng ông. Trịnh trọng đặt 2 tờ tiền 500.000 vừa được lĩnh vào chiếc phong bì chuẩn bị sẵn, ông viết dòng chữ nắn nót: “Tặng gia đình bà Thu - Cựu thanh niên xung phong đại đội 915”. Mọi động tác của ông được cô nhân viên bưu điện chăm chú theo dõi. Cô ngạc nhiên: “Số tiền này bác lại tặng cho ai ạ?”. “Đúng rồi bác sẽ tặng cho một cựu thanh niên xung phong 915 và cả tờ báo này nữa. Cháu có biết ngày mai là kỷ niệm 50 năm 60 đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh ở ga Lưu Xá khi đang làm nhiệm vụ không?. Sự hy sinh đã trở thành huyền thoại”.

Đôi mắt đen mở to, cô nhân viên hỏi ông: “Từ hôm qua cháu thấy bác vất vả quá, tại sao bác không tạm ứng số tiền để tặng trước, cháu có cảm giác bác muốn tặng bằng chính đồng tiền nhuận bút này”. Ông Chung cười: “Cháu đoán đúng, bác có lương hưu, có thể lấy từ đó tặng bà Thu trước. Nhưng, bác lại muốn tặng chính đồng tiền nhuận bút này, vì từ cuộc đời của bà Thu bác đã viết bài báo này, bác muốn gửi lại chính nơi đã tạo nên đồng tiền nhuận bút. Như vậy bác thấy có ý nghĩa hơn.

Ông Chung đi ra khỏi bưu điện, giữa cái rét buốt giá chiều Đông nhưng ông thấy trong lòng mình có một luồng hơi ấm lạ.