Tình người

Truyện ngắn: Lê Hứa Huyền Trân 18:01, 28/11/2022

Cứ mỗi sáng tôi lại có thói quen ra quán cafe đầu ngõ để uống một ly đen đá, khi phố phường thậm chí còn chưa thức dậy.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Quán cafe nơi tôi uống không có bàn, đó chỉ là một quán nhỏ, vài chiếc ghế đẩu được bày ra, vừa là bàn vừa là ghế. Ấy thế nhưng quán lúc nào cũng đông, hầu hết là người dân lao động, đến nhấp một ngụm cafe vào đầu ngày cho tỉnh người rồi sẵn sàng cho một ngày làm việc mới.

- Cậu cho tôi để nhờ cái ly, bà chủ hết ghế.

Tôi ngước nhìn lên, đó là một người đàn ông trạc tuổi ba tôi, tay đang cầm một ly cafe và một cốc trà đá. Quán đã kín đặc những công nhân đang uống cafe và chờ xe đưa đón của công ty. Nhìn màu áo của bác, tôi biết bác cũng đang chờ xe như họ. Tôi khẽ mỉm cười đẩy nhẹ cái ghế cũng là cái bàn của mình về phía bác. Trời hãy còn tinh mơ, cái nhẹ nhàng yên tĩnh của đêm đang từ từ bị sớm mai kéo đến len lỏi tạo thành những vùng sáng loang lổ trên bầu trời. Bác lẩm nhẩm: Mới chỉ bốn giờ sáng, còn hơn nửa tiếng nữa xe mới đến. 

Tôi mời bác điếu thuốc, nhưng bác mỉm cười từ chối:

- Cảm ơn cậu, nhưng tôi thôi. Bà nhà tôi bị bệnh, kiêng mùi thuốc, tôi mà có mùi về là bà la ngay.

Vài người đồng nghiệp xung quanh trêu bác:

 - Ông ấy sợ vợ ghê lắm, vợ cấm gì là tuyệt đối không làm.

Tôi biết đó chỉ là câu đùa giữa những người đồng nghiệp với nhau vì bác cười trông rất hạnh phúc.

- Duy chỉ có món cafe này là bà ấy cấm nhưng tôi không bỏ được. Uống cho tỉnh táo cả ngày với tôi ghiện cafe dữ lắm. Nhưng mà… nom cậu không giống dân lao động, sao cậu dậy từ tinh mơ thế.

- Dạ, cháu là nhà văn. Cháu thích không khí sáng sớm như thế này, yên tĩnh để có thể cảm nhận được nhiều thứ trong cuộc sống bộn bề.

Bác lại cười rồi quay sang mấy chú bên cạnh:

- Thế cậu có muốn lấy chúng tôi làm tư liệu không? Về cuộc đời thì chúng tôi có cả kho tàng cho cậu viết đấy. Mấy ông ơi, cậu ấy là nhà văn, mấy ông có gì cần kể cho cậu ấy tham khảo không?

Trong cơn nắng sớm đang từ từ buông xuống, tiếng cười của những người dân lao động vang lên cả một khoảng trời. Cứ thế, mỗi sáng tôi lại tập cho mình một thói quen dậy sớm hơn và đến quán cafe quen thuộc chỉ để nghe những câu chuyện đời thường của họ. Và lúc nào tôi cũng ngồi cạnh bác vì bác luôn cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng bình yên nhưng lại ẩn chứa một điều gì đó.         

Bẵng đi ít ngày, khi tôi tới quán cũ không thấy bác nữa, hỏi dò thì mới biết bác gái bị ốm nặng nên bác xin nghỉ ít ngày chăm sóc. Không hiểu vì tò mò hay quan tâm, tôi lân la nhờ sự chỉ dẫn của các bác đồng nghiệp và tìm được nhà bác. Căn nhà nằm lọt thỏm trong xóm lao động nghèo. Khi tôi tới bác đang lui cui dưới bếp, căn bếp đang đỏ lửa và mùi thuốc bắc toả ra thơm ngát từ cái ấm bác đang đun. Thấy tôi bác hơi ngờ ngợ nhưng vẫn luôn tay loay hoay giữa nồi thuốc và nồi cháo đang được kê nấu trên các hòn đá lửa:

- Cậu vào nhà, cậu đợi tôi một lát.

Tôi bưng phụ bác bát cháo lên nhà. Khi bước vào căn nhà nhỏ tôi dường như phải cúi người xuống thật thấp mới vào đươc. Căn nhà chỉ có vợ chồng bác, chiếc bàn con và một chiếc giường cũ bác gái đang nằm. Bác nhẹ nhàng đỡ bác gái dậy để bác gái tựa vào vai rồi chế nồi nước thuốc vào một cái thau nhôm, pha thêm nước, tự chạm vào thấy hơi ấm nóng mới để chân bác gái vào ngâm.

- Bà ấy bị xương khớp, đau nhức mãi không khỏi, ông thầy bảo đi hái mấy lá rừng này về nấu ngâm chân cho bớt. Nói rồi bác thổi bát cháo cho đến khi nguội và bón từng thìa cho bác gái, cạn bát mới nhẹ nhàng đỡ bác gái nằm và ra ngoài.

Bác kể với tôi bác gái là người thân duy nhất của bác, hai người không có con. Trước, bác gái còn khoẻ ở nhà cơm nước, nhận việc về nhà làm. Cách đây vài năm bị tai biến nên nằm một chỗ, bác cũng muốn ở nhà chăm nhưng vì kế sinh nhai đành phải đi làm, hàng ngày nhờ hàng xóm giúp. Cũng may, những người dân lao động ở đây luôn thấu tình người, vẫn hay qua trông chừng bác gái, khi họ bận việc cũng cho đám con trẻ tới chơi quanh để bác gái đỡ buồn, sẵn tiện trông nom luôn. Vừa nghe bác kể tới đó thì tôi thấy tiếng đẩy cổng, một người phụ nữ bước vào đon đả:

- Bác Đông ơi, tôi mới được cho ít măng khô, tôi để trong chạn đấy nhé. Với lại trưa ghé nhà tôi ăn cơm nha, ông nhà tôi sáng nay câu được cho ít cá ngon lắm.

Bác ới một tiếng rõ to rồi người phụ nữ vào bếp rất tự nhiên như nhà của mình. Ghé vào trong nói chuyện với bác gái ít câu, người phụ nữ quay đi với quang gánh còn đang ngoài cổng, có lẽ đương buổi chợ ghé thăm nhà hàng xóm.

- Sống ở nơi này nếu không có những người xung quanh giúp đỡ thì đúng là tôi cũng không làm gì được. Không thể cứ cô đơn trong cuộc đời này rồi cứ tự an ủi mình chỉ cần một mình cũng sống tốt.

Ngồi được một lúc, như sực nhớ điều gì, bác lại chạy vội vào thăm chừng bác gái, sau đó lật đật ra sân chẻ vội mớ củi khô để nấu ấm nước thuốc cho bác gái ngâm chân lần nữa. Cũng vừa bắc một nồi lá nấu nghe bác nói là chữa ho tốt lắm, tôi tưởng bác bị đau thì bác phì cười:

Cái này tôi nấu cho ông Vọng đầu xóm, ông ấy bị ho mấy hôm rồi, tôi nghe người ta nói lá này xông chữa ho tốt lắm.

Tôi ra về để không làm guồng tay chân bác nữa, đột nhiên giữa cuộc sống xô bô này tôi tìm được một chút gì đó thanh thản lạ, cảm thấy như tình người vẫn đang lan toả xung quanh mình. Người giúp mình, mình giúp đời, những mảnh đời nhỏ đang sống dựa vào nhau chỉ để chứng minh cho một sự gắn bó bao la giữa những người cùng khổ.