Đầu năm mới là dịp nhiều người dân tìm đến các đền, chùa, phủ để đăng ký làm lễ cầu an, dâng sao, giải hạn, mong cầu một năm mới luôn dồi dào sức khỏe, vui vẻ, bình an, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn. Sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đầu Xuân Quý Mão, các hoạt động này diễn ra khá sôi động.
Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, tuyên truyền đến người dân: Trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. |
Có mặt tại chùa Phủ Liễn - Trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, những ngày đầu Xuân, chúng tôi cảm nhận không khí lễ chùa đầu năm nay rất nhộn nhịp. Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường đến các đền, chùa để cầu phúc, cầu may.
Trong khí thế đầu năm, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: "Phong tục tập quán của Việt Nam nói chung và người dân Thái Nguyên nói riêng, đi chùa lễ Phật đã là nét văn hóa, với tinh thần là cầu may, cầu bình an, cầu sức khỏe, không theo mê tín dị đoan; cầu nguyện cho năm mới đạt được những tâm nguyện, ý nguyện trong cuộc sống. Trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan, trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt, xấu…
Đúng như những thông tin của Thượng tọa Thích Nguyên Thành, nhiều người dân đến chùa Đán TP. Thái Nguyên, chùa Thuần Lương TP. Sông Công, cho rằng họ đến cửa Phật đầu Xuân ngoài cầu bình an, sức khỏe và công việc thì còn là dịp vãn cảnh cảm nhận không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng, làm cho lòng người nhẹ nhàng, thanh thản.
Năm mới, ai cũng mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn, cầu mong có sức khỏe, hạnh phúc, bình an, làm ăn may mắn đủ đầy… Đó cũng là một phần lý do mà nhiều người dân đã tìm đến các đình, đền, chùa dịp đầu năm để cầu mong.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại một số đền, việc tổ chức hầu đồng đầu năm vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Nhiều gia đình tổ chức hầu đồng, mở phủ tốn vài chục triệu đồng. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu thì hầu đồng là nghi lễ rất quan trọng, mang nhiều ý nghĩa văn hóa và là một nghi thức tổng hợp. Nhưng những năm năm trở lại đây, nét văn hóa này đang bị lạm dụng và biến đổi thành hình thức mê tín dị đoan, thậm chí là cuồng tín.
Ngoài hầu đồng, một số gia đình còn mời thầy về nhà cúng giải hạn. Để chuẩn bị lễ cúng giải hạn, gia chủ phải chuẩn bị lễ mặn, hoa quả, mua vàng mã… theo danh mục thầy đưa ra nên tốn kém tiền của.
Cũng theo Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên: Nếu có sao xấu và cúng giải được thì những gia đình cúng sao, dâng sao như hiện nay sẽ không ai gặp phải điều không may mắn cả. Việc thực hành một số nghi lễ văn hóa, trong đó có hoạt động cúng sao giải hạn là rất lệch lạc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin