Thành nhà Mạc và cây chè cổ ở Minh Tiến: Dã sử và giả thiết

Quốc Tuân 15:46, 03/02/2023

Đứng trên đỉnh núi Bóng, xã Minh Tiến (Đại Từ), vén cây, tìm lại dấu tích thành nhà Mạc và đặt tay lên gốc cây chè cổ thụ, chúng tôi vẫn thấy lòng băn khoăn. Sau hàng chục năm được phát hiện, những nghiên cứu về cây chè cổ ở Minh Tiến vẫn còn quá ít, công tác bảo tồn chưa được thực hiện đồng bộ và nguồn gốc cây chè cổ vẫn là một ẩn số. Liệu có mối liên hệ nào giữa thành nhà Mạc và cây chè cổ ở Minh Tiến?

Tác giả (bên phải) cạnh cây chè hàng trăm năm tuổi.
Tác giả (bên phải) cạnh cây chè hàng trăm năm tuổi.

Có ít nhất 30 cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng

Mối duyên của chúng tôi với cây chè cổ bắt đầu từ năm 2013, khi tham gia đoàn công tác của huyện Đại Từ ngược núi, khảo sát cây chè cổ. Sau gần 10 năm, một ngày áp Xuân Quý Mão 2023, tôi lại ngược lên đỉnh núi Bóng tìm về đây.

Đường rừng vẫn vậy, rậm rạp như bao năm trước. Sau 4 tiếng vượt qua những con dốc dựng tức ngực, xuyên qua các tán rừng, chúng tôi đến bên cây chè được nhận định là có kích thước lớn nhất trên đỉnh núi Bóng. Cây chè vẫn đây, thân to vừa vòng tay người ôm, tán xum xuê tỏa bóng. Sang Xuân, cây chè cổ đang thả dần những bông hoa cuối cùng và vô số hạt xuống gốc, tạo nên một vùng nhụy rực vàng. Thử nhấm chút lá chè, vị chát nhẹ, sau đó là ngọt hậu thấm nơi cuống họng, dù vị nhẹ hơn nhưng vẫn mang đậm chất của vị chè trung du bây giờ.

Ông Nguyễn Văn Thụy, xóm Lưu Quang 5, xã Minh Tiến, người thông thạo về cây chè cổ, cho biết: Cây chè này cao khoảng 25m, đường kính gốc 40cm. Tôi ước tính cây chè được khoảng 300 năm tuổi. Cùng “cụ” chè này, trên núi Bóng còn có nhiều cây chè có đường kính gốc 30-40cm, cao 20-25m, ước 200-300 tuổi và hàng chục cây chè có tuổi đời trên 100 năm. Hiện, có ít nhất 30 cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng. Tôi vẫn lấy lá chè cổ về để uống nước chè tươi và làm cao chè, dùng như một vị thuốc Nam để chữa bệnh.

Tán lá xanh tốt của cây chè cổ.
Tán lá xanh tốt của cây chè cổ.

Theo ông Thụy, sự phân bố của cây chè cổ rất đáng chú ý, hầu hết nằm bên đường mòn và tạo thành vòng tròn bao quanh khu vực có dấu tích thành nhà Mạc. Đặc biệt, với kinh nghiệm hơn 40 năm đi khắp các cánh rừng phía Tây Bắc huyện Đại Từ để lấy thuốc Nam, ông Thụy quả quyết trên các dãy núi giáp núi Bóng không có cây chè cổ. Cây chè mọc từ hạt, không thể “bay” từ nơi khác đến nên nhiều người cao tuổi trong xã Minh Tiến đưa ra giả thiết rằng chè đã được người nhà Mạc trồng trên núi Bóng từ cách đây khoảng 300 năm để làm thức uống. Thời gian trôi, vật đổi sao dời nhưng nhiều cây chè vẫn tồn tại thành một quần thể hàng chục cây chè cổ như hiện nay.

Dấu tích thành nhà Mạc

Nằm ngay gần cây chè cổ trên núi Bóng có một địa danh được người dân địa phương gọi là thành nhà Mạc, nơi đây vẫn còn một vùng trũng khác thường trên đỉnh núi được người dân gọi là Giếng Ngọc. Dân gian truyền lại đây chính là giếng nước người nhà Mạc sử dụng khi sinh sống tại đây.

Theo người xưa truyền lại, đây là dấu tích của giếng nước từ thời nhà Mạc đào trên đỉnh núi Bóng.
Theo người xưa truyền lại, đây là dấu tích của giếng nước từ thời nhà Mạc được đào trên đỉnh núi Bóng.

Ông Dương Quốc Chính, sinh năm 1947, nguyên Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, chia sẻ: Các cụ ngày xưa truyền lại, khi một bộ phận người nhà Mạc bỏ chạy lên đây lập thành, nhân dân địa phương phải tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí và đắp thành bằng đất trên núi Bóng. Cách đây nhiều năm, một số người đào được những đồ dùng cổ xưa tại khu vực này như: Nồi, ấm đất nung, bát cổ… Do thành trước đây làm bằng đất, nên dấu tính còn lại chỉ là vết đất hằn cao bao quanh bãi bằng phẳng.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, ngành Văn hóa đã từng thành lập đoàn lên núi Bóng để khảo sát và ghi nhận dấu tích thành nhà Mạc. Tuy nhiên, tài liệu lịch sử lưu giữ quá ít, nhân chứng không còn nên không đủ căn cứ lập hồ sơ, tài liệu di tích…

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đến đầu thế kỷ XVII, các vùng như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng vẫn thuộc quyền quản lý của nhiều người thân thuộc nhà Mạc như Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận dấu tích thành nhà Mạc tại nhiều địa phương như: huyện Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên… nên dù chưa đủ chứng lý thì những lời kể của người dân mang tính dã sử về thành nhà Mạc trên đỉnh núi Bóng là rất có cơ sở.

Trăn trở về bảo tồn cây chè cổ

Bàn về cây chè cổ, ông Mông Đông Vũ, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, người đam mê nghiên cứu chè, cho biết: Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cuốn sử “Đại Nam Nhất Thống Chí” ghi chép tỉ mỉ, chính xác phần thổ sản của các tỉnh trong cả nước, theo đó có hơn 10 tỉnh có chè.

Quyển 20 ghi chép về Thái Nguyên vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883), phần thổ sản của Thái Nguyên ghi chép như sau: “Chè nam: Sản ở các huyện Phú Lương, Động Hỷ (nay là Đồng Hỷ), Đại Từ, Phổ Yên, vị ngon hơn chè các nơi khác”. Như vậy, cách đây gần 200 năm, các sử gia triều Nguyễn đã khẳng định Thái Nguyên có đến 4 huyện có chè, có thể nói là nhiều chè nhất cả nước. Đặc biệt các sử gia đã ghi nhận là vị ngon hơn chè các nơi khác.

Dưới gốc cây chè cổ có rất nhiều cây chè con.
Dưới gốc cây chè cổ có rất nhiều cây chè con.

Ông Mông Đông Vũ chưa được tận mắt nhìn, tay sờ, miệng nếm lá chè cổ trên đỉnh núi Bóng, xã Minh Tiến nên ông chưa dám tin. Khi chúng tôi chia sẻ về hạt, hoa, lá cây chè cổ giống với cây chè trung du và cả vị chát, ngọt hậu của lá chè rất gần với chè trung du bây giờ thì ông Vũ bày tỏ băn khoăn đó là giống chè gì? Tuy nhiên, ông Mông Đông Vũ khẳng định, cây chè đã có tại Thái Nguyên từ hàng trăm năm và chè Thái Nguyên phải là loại chè ngon mới được chính sử ghi chép tỉ mỉ đến vậy.

Chính sử, dã sử và giả thiết - dù thế nào thì sự tồn tại của cây chè cổ trên đỉnh núi Bóng, xã Minh Tiến là một sự thật. Vậy, nguồn gốc cây chè từ đâu? Liệu có phải do người thời nhà Mạc đã trồng? Tất cả vẫn chỉ là giả thiết. 

Tuy nhiên, một điều những người quan tâm về chè đều tiếc là cây chè cổ ở Minh Tiến đã phát hiện từ rất lâu nhưng chưa thấy một nghiên cứu nào (hoặc ít nhất là chưa công bố rộng rãi) hay có những thông tin mang tính khoa học được công bố. Hoạt động bảo tồn, lưu giữ hay phát huy giá trị văn hóa cây chè cổ cũng rất hạn chế. Vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm bởi cây chè cổ mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa của Thái Nguyên, tạo nên hồn cốt của vùng đất “Đệ nhất danh trà".