Giải “bài toán” thiếu - thừa nhà văn hóa ở TP. Thái Nguyên

Chung An 07:39, 22/02/2023

Thực hiện Nghị quyết 79/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố (TDP) trên địa bàn tỉnh, như nhiều địa phương khác, sau sáp nhập, TP. Thái Nguyên có nhiều nhà văn hóa (NVH) dôi dư nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trước thực trạng trên, TP. Thái Nguyên đã ban hành Đề án Phát triển thiết chế văn hóa giai đoạn 2022-2025. Đây được xem là lời giải cho “bài toán” thiếu - thừa NVH ở địa phương này.

Theo Đề án Phát triển thiết chế văn hóa TP. Thái Nguyên, những nhà văn hóa không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, có đủ quỹ đất và nhân dân đồng thuận đối ứng sẽ được hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa.
Theo Đề án Phát triển thiết chế văn hóa TP. Thái Nguyên, những nhà văn hóa không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, có đủ quỹ đất và nhân dân đồng thuận đối ứng sẽ được hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa.

Năm 2020, sau khi sáp nhập, TDP số 8 (được sáp nhập từ TDP số 39 và một phần TDP số 37 và 38), phường Quang Trung, có tổng số hơn 300 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu. Theo đó, TDP số 8 có 2 NVH để người dân sinh hoạt. Tuy nhiên, do số dân đông nên dù có tới 2 NVH nhưng bà con vẫn không có đủ chỗ ngồi khi hội họp.

Để khắc phục tình trạng trên, người dân thường phải dựng rạp ngoài sân hoặc chia thành 2 cụm tổ chức sinh hoạt tại 2 NVH, gây nhiều khó khăn, đặc biệt là với đội ngũ lãnh đạo TDP.

Tình trạng của TDP số 8 cũng là thực trang chung của nhiều xóm, TDP trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Theo số liệu thống kê, sau sáp nhập, toàn thành phố có 401 xóm, TDP; có 501 NVH, trong đó, số NVH đang sử dụng là 371, số dôi dư là 130.

Thực tế, trên địa bàn thành phố có nơi thừa, có nơi còn thiếu NVH; công năng, diện tích sử dụng của NVH nhỏ hẹp, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng; trang thiết bị được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ hoạt động của các xóm, TDP.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, tháng 7-2022, TP. Thái Nguyên ban hành Đề án Phát triển thiết chế văn hóa giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của Đề án là xây dựng, tổ chức hoạt động nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn; từng bước hoàn thiện các thiết văn hóa của thành phố.

Mục tiêu cụ thể: Thành phố dự kiến sẽ xây dựng 10 trung tâm văn hóa - thể thao phường; hỗ trợ xây dựng mới 100 NVH xóm, TDP; sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng 216 NVH xóm, TDP; mua sắm trang thiết bị hỗ trợ 316 NVH xóm, TDP… Tổng kinh phí thực hiện là trên 103 tỷ đồng.

Đề án được ban hành đáp ứng niềm mong đợi của đông đảo người dân, được xem là lời giải cho “bài toán” thiếu - thừa NVH sau sáp nhập. Bà Lê Thị Cậy, Bí thư Chi bộ TDP số 8, phường Quang Trung, cho biết: TDP chúng tôi có 2 NVH nhưng thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Lý do là cả 2 nhà đều được xây dựng từ lâu, nhỏ hẹp và đã xuống cấp. Chính vì vậy, khi thành phố có chủ trương hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, sửa chữa NVH, bà con ai nấy đều phấn khởi. Hiện nay, TDP cũng đang họp bàn, kế hoạch là sẽ xây dựng mới NVH trên tinh thần bà con sẽ đóng góp đối ứng nguồn kinh phí, Nhà nước hỗ trợ và nguồn xã hội hóa.

Nhà văn hóa tổ số 8, phường Quang Trung, được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân sau khi sáp nhập tổ dân phố.
Nhà văn hóa tổ số 8, phường Quang Trung, được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân sau khi sáp nhập tổ dân phố.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết: Qua rà soát, hầu hết người dân ở các TDP đều có nhu cầu sửa chữa hoặc xây dựng mới NVH. Tuy nhiên, dựa trên thực tế hiện trạng, diện tích NVH cũ, nguồn lực đối ứng của người dân, UBND phường đã đăng ký xây dựng mới 3 NVH và sửa chữa 13 NVH; có văn bản kiến nghị thành phố sớm triển khai để người dân có nơi hội họp, tổ chức các hoạt động.

Để Đề án đem lại hiệu quả cao, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ tổ chức rà soát nhu cầu thực tế của nhân dân; hiện trạng đất đai;… trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo từng năm.

Trong 100 NVH xây dựng mới cả giai đoạn, dự kiến, thành phố sẽ xây 54 NVH trong năm 2023, 30 nhà năm 2024 và 16 nhà vào năm 2025. Đối với việc sửa chữa, năm 2023, thành phố sẽ cải tạo 121 nhà; năm 2024 cải tạo 74 nhà và 21 nhà vào năm 2025.

Còn với những NVH dôi dư, TP. Thái Nguyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giao cho các xóm, TDP quản lý, thu hút nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng thành sân chơi, vườn hoa, khu tập thể dục thể thao phục vụ nhân dân. Hiện, TP. Thái Nguyên đang chờ tỉnh cho cơ chế để triển khai thực hiện Đề án.

Có thể nói, Đề án Phát triển thiết chế văn hóa được ban hành, triển khai thực hiện sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, hình thành các giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố. Đặc biệt là giải quyết được vấn đề dôi dư NVH mà người dân băn khoăn lâu nay…

Theo Đề án, quy mô xây dựng NVH xóm, TDP theo định hướng: Đối với xóm, TDP có diện tích đất từ dưới 100m2- 200m2, xây dựng trên tổng thể diện tích đất theo mô hình nhà từ 2 tầng trở lên; đối với xóm, TDP có diện tích đất từ 200m2 đến dưới 500m2, xây dựng NVH diện tích từ 200m2 trở lên; đối với xóm, TDP có diện tích đất 500m2 trở lên, xây dựng NVH theo mô hình nhà văn hóa đa năng diện tích từ 300m2 trở lên. Cơ chế hỗ trợ, NVH xây dựng mới sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà; cải tạo, sửa chữa được hỗ trợ 250 triệu đồng/nhà.