Lan tỏa sâu rộng phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Phạm Ngọc Chuẩn 22:46, 23/02/2023

Hơn 309.000 gia đình; gần 2.200 xóm, tổ dân phố; hơn 1.500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chí văn hóa trong năm 2022. Đó là những con số ấn tượng minh chứng hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã lan tỏa sâu rộng trên toàn tỉnh; ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Nhân dân xã Phú Tiến (Định Hóa) vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhân dân xã Phú Tiến (Định Hóa) vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ: Từ cơ sở, việc bình xét danh hiệu gia đình văn hoá; xóm, tổ dân phố văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hóa được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ theo đúng trình tự quy định, bảo đảm công bằng, không chạy theo thành tích. Bình quân hằng năm, trên tổng đăng ký có hơn 90% số gia đình, hơn 97% số xóm, tổ dân phố và trên 95% số cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí văn hóa.

Để Phong trào được triển khai sâu rộng tới toàn dân, ban chỉ đạo Phong trào các cấp thường xuyên được kiện toàn, kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn và triển khai cho nhân dân thực hiện hiệu quả những nội dung đặt ra.

Nhằm đưa Phong trào thành nền nếp, có chất lượng, các cấp, ngành đã có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, như: Tổ chức hội nghị chuyên đề; bằng pa nô, áp phích, tờ gấp, sách, băng rôn, thông tin lưu động.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo tổ chức các đợt làm việc, kiểm tra chất lượng Phong trào tại một số cơ sở điểm theo ngẫu nhiên, hoặc địa phương người dân đang có ý kiến thắc mắc với chính quyền về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Qua kiểm tra thực tế, Ban Chỉ đạo đã kịp thời cùng địa phương tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn làm ảnh hưởng đến Phong trào. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với đặc thù của từng địa phương. 

Quá trình triển khai, từng địa phương, đơn vị lại có sự linh hoạt trong thực hiện. Điển hình là nội dung xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, các cấp chính quyền đã ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng công trình, chủ yếu là nhà văn hóa, khu thể thao cấp xã; cấp xóm, tổ dân phố.

Trong năm, Ban Chỉ đạo thực hiện rà soát, khảo sát thực trạng, lập kế hoạch hỗ trợ cho hơn 1.000 nhà văn hóa, khu thể thao xóm, tổ dân phố có nhu cầu xây mới, sửa chữa, cải tạo. Hiện, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có trung tâm văn hóa - thể thao; nhà văn hóa; hội trường đa năng; trung tâm học tập cộng đồng; 100% khu dân cư có nhà văn hóa, sân chơi thể thao cho nhân dân hội họp và rèn luyện sức khỏe.

Nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, ban chỉ đạo Phong trào các cấp vận động mọi người nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật; tôn trọng, chấp hành đầy đủ nội dung hương ước, quy ước xóm, tổ dân phố.

Đội ngũ nòng cốt Phong trào là lãnh đạo, chuyên viên phòng văn hóa và thông tin; trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông các huyện, thành phố; công chức văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn và các trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố hằng năm được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý thiết chế văn hóa, thể thao và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở.

Nhân các ngày như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11)... ban chỉ đạo các cấp đều có nội dung tuyên truyền phù hợp, với các chủ đề ấn tượng, như: Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình trong thời 4.0; xây dựng mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử ở nhiều môi trường xã hội khác nhau.

Kết quả của Phong trào đã tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đồng thời hình thành nên những con người có lối sống lành mạnh, biết chia sẻ yêu thương và đồng thuận xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.