Hàng loạt dự án nhạc kịch tiếng Anh dành cho thiếu nhi như: Matilda, Không gia đình, Cô bé bán diêm, Phù thủy Phù thủy, Totto-chan - Cô bé ngồi bên cửa sổ, Hoàng tử bé... đã được nhóm Hanoi Arts for Youth (HAY) dàn dựng và công diễn thời gian qua. Với khao khát mang đến những điều tốt đẹp và nhân ái, HAY đã góp phần ươm mầm tình yêu nhạc kịch và nghệ thuật cho các em nhỏ.
Cảnh trong vở nhạc kịch "Không gia đình" do nhóm HAY dàn dựng. |
Thành lập từ tháng 12/2017, HAY là nơi gặp gỡ của các cá nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, song cùng chung niềm đam mê dành cho nghệ thuật và tâm huyết với trẻ nhỏ. Ðó là diễn viên Hoàng Hường; biên kịch-đạo diễn Hoàng Tùng; nhạc sĩ Nguyễn Nhật Minh; biên đạo múa Nguyễn Trường Sơn cùng một số chuyên gia, cố vấn về thanh nhạc, ngoại ngữ trong nước, ngoài nước. Trải qua sáu năm hoạt động, HAY đã cho ra mắt sáu dự án nhạc kịch thiếu nhi thú vị, diễn trong nhiều mùa với hơn 40 đêm diễn tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, thu hút hơn 1.000 diễn viên không chuyên là các em học sinh Hà Nội tham gia.
Ðáng chú ý, hầu như đêm diễn nào cũng "cháy vé" - điều mà ngay cả những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng chưa chắc làm được. Ðiều đó cho thấy, những dự án nghệ thuật của HAY đã thật sự tạo được sức lan tỏa, hấp dẫn cũng như sự cộng cảm trong cộng đồng, đặc biệt là với các bậc cha mẹ và học sinh trên địa bàn Hà Nội.
Nói về ý tưởng thành lập HAY, Giám đốc dự án Hoàng Hường chia sẻ: Tất cả đều xuất phát từ mong muốn xây nên một sân chơi nghệ thuật ý nghĩa dành cho trẻ em, nơi các em được trút bỏ những gánh nặng về điểm số, thi cử, cạnh tranh trong cuộc sống hiện đại vốn nhiều áp lực, nơi các em có thể tìm thấy và nuôi dưỡng những khoảng "xanh" trong tâm hồn thông qua nghệ thuật. Và đó cũng là lý do các thành viên HAY quyết định lựa chọn những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng thế giới - những câu chuyện giàu giá trị với thông điệp đã quen thuộc và gắn bó tuổi thơ nhiều thế hệ độc giả làm chất liệu sáng tạo, đồng thời lựa chọn nhạc kịch làm ngôn ngữ chính để thể hiện.
"Nhạc kịch giúp các em nhỏ được học đồng thời cả bốn kỹ năng: diễn xuất, vũ đạo, thanh nhạc, khả năng nói tiếng Anh. Nên khi tham gia vào mỗi vở nhạc kịch, các em vừa có điều kiện để phát triển toàn diện, vừa có cơ hội thể hiện thế mạnh bản thân trong từng vai diễn phù hợp, từ đó tìm thấy niềm vui và sự tự tin" - nghệ sĩ Hoàng Hường bày tỏ.
Ai đã từng xem những vở nhạc kịch thiếu nhi do HAY dàn dựng, hẳn sẽ nhận ra sức hút thú vị, đáng yêu đến từ vẻ đẹp tươi mới, trong sáng được tạo ra bởi chính cách diễn của những diễn viên nhí nghiệp dư. Ðây là thứ vô cùng khó tìm ở những vở diễn do diễn viên chuyên nghiệp thể hiện.
Diễn viên Hoàng Hường cho hay, sau khi tuyển chọn, mỗi dự án nhạc kịch thường có từ 40 đến 70 học sinh trong độ tuổi 6 đến 18 tuổi tham gia, luyện tập trong 5-6 tháng với hơn 40 buổi tập. Trải qua một tháng tập luyện đầu tiên giúp làm quen, nắm bắt sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, các thầy, cô của HAY mới tiến hành phân vai để các em tiếp tục luyện tập tiến tới hoàn thiện vở diễn. HAY luôn tâm niệm, đêm công diễn nhạc kịch là kết quả báo cáo cuối cùng, nhưng quãng thời gian tập luyện mới là hành trình giúp các em thu lượm những bài học giá trị về tinh thần, trách nhiệm, sự chia sẻ, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giao lưu, tương tác... Và đó mới chính là mục tiêu mà HAY hướng tới.
Nhạc kịch là loại hình nghệ thuật sân khấu đặc biệt mang tính tổng hợp cao, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ đạo, khả năng diễn xuất và lời thoại. Với nghệ sĩ chuyên nghiệp, diễn nhạc kịch đã khó, cho nên với diễn viên không chuyên, lại còn là những em nhỏ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, khó khăn càng tăng thêm gấp bội.
Thế mới thấy, để có thể liên tiếp cho ra mắt các vở nhạc kịch thiếu nhi hoàn toàn bằng tiếng Anh là cả hành trình chinh phục gian nan của các thành viên HAY cùng cộng sự. Giám đốc nghệ thuật Hoàng Tùng, người đảm nhận vai trò biên kịch kiêm đạo diễn các dự án nhạc kịch của HAY chia sẻ: Ngay từ khâu chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản sân khấu nhạc kịch đã là thách thức, bởi vừa phải giữ nguyên những giá trị tư tưởng, thông điệp, ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm, vừa phải lọc đi những yếu tố không phù hợp văn hóa Việt Nam, đồng thời tìm cách đưa vào những sáng tạo riêng, những câu chuyện của xã hội hôm nay để tác phẩm mang hơi thở đương đại.
Các tác phẩm văn học thường ở dạng tiểu thuyết hay truyện ngắn, có truyện chỉ là các câu chuyện nhỏ ghép lại, không chứa đựng những mâu thuẫn xung đột rõ ràng, nên để phù hợp thời lượng vở diễn và đáp ứng yêu cầu tác phẩm kịch, người biên kịch phải biết chắt lọc, sắp xếp những chi tiết tiêu biểu nhất theo mạch kịch phù hợp, hấp dẫn. Ðó là chưa kể trong quá trình luyện tập, tùy theo năng lực của từng diễn viên nhí, kịch bản cũng phải thường xuyên điều chỉnh, sửa sang để các em được vào vai một cách thoải mái nhất, sao cho vai nào cũng có "đất" thể hiện, dù là nhân vật chính hay phụ.
Bên cạnh kịch bản, toàn bộ phần âm nhạc, ca khúc của các dự án cũng được các thành viên HAY dụng công sáng tác hoàn toàn mới nhằm mang đến sắc màu riêng. Ðến nay, HAY đang sở hữu cả "gia tài" lên tới hơn 70 ca khúc gắn liền các dự án nhạc kịch. Ðặc biệt, để có thể đồng hành cùng các em, các thành viên HAY còn phải có đủ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và yêu thương, từng bước giúp các diễn viên nhỏ tuổi làm quen với nhạc kịch, trau dồi các kỹ năng, học cách tôn trọng, sẻ chia, vượt qua những va chạm, thắc mắc thường thấy ở trẻ em.
Vất vả là thế, nhưng đổi lại, HAY cũng thu về được những "trái ngọt" xứng đáng. Diễn viên Hoàng Hường cho biết, có những bạn lúc mới đến còn la khóc om xòm, song sau đó đã dám tự tin biểu diễn trước hàng trăm khán giả. Có những bạn sau phân vai còn buồn bã, chạnh lòng vì không được nhận vai chính, khi được phân tích về sự phù hợp, về sự liên kết giữa cá nhân và tập thể, đã vui vẻ nhận ra vị trí hợp lý của mình.
Thậm chí, có những bạn mắc chứng tự kỷ hay trầm cảm, ban đầu từ chối mọi sự giao tiếp, tương tác với những người chung quanh, nhưng trải qua cả hành trình gắn bó cùng HAY và các bạn diễn, đã trở nên hoạt bát, mở lòng hơn. Nhiều em đã đi cùng HAY qua nhiều dự án nhạc kịch liên tiếp... Và đó chính là động lực để HAY có thêm sức mạnh, sự bền bỉ trên hành trình tạo dựng sân chơi nhạc kịch thiếu nhi bổ ích, ý nghĩa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin