Tiêu chí nhà văn hóa "làm khó" xóm nghèo

Việt Dũng 08:20, 31/03/2023

Năm 2019, huyện Định Hóa thực hiện sáp nhập, sắp xếp đối với 332 xóm, tổ dân phố để thành lập 181 xóm, tổ dân phố mới. Sau khi sáp nhập, rất nhiều nhà văn hoá xóm không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Huyện Định Hóa có chủ trương xây dựng, sửa chữa các nhà văn hoá này cập chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, để hoàn thành nội dung này cần huy động nguồn lực lớn từ nhân dân.

Nhà văn hoá xóm Pải, xã Phượng Tiến được sửa chữa, cơi nới mái tôn tạm thời để làm nơi sinh hoạt cho nhân dân trong xóm
Nhà văn hoá xóm Pải, xã Phượng Tiến (Định Hóa) được sửa chữa, cơi nới mái tôn tạm thời để làm nơi sinh hoạt cho nhân dân.

Xóm Pải, xã Phượng Tiến (Định Hóa) là một trong những địa phương đang gặp khó khăn khi thực hiện xây dựng nhà văn hoá đạt chuẩn. Với diện tích đất hơn 200m2, xóm không đủ diện tích để xây nhà văn hoá mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của 136 hộ dân.

Để xây dựng nhà văn hoá xóm đạt chuẩn, xóm Pải cần diện tích đất khoảng 400m2 trở lên, nhưng địa phương này hiện không còn quỹ đất. Bên cạnh đó, ngoài nguồn ngân sách huyện và xi măng được hỗ trợ, theo tính toán, cả xóm sẽ phải đối ứng khoảng 250 triệu đồng mới xây dựng được nhà văn hoá.

Ông Mai Văn Huy, Trưởng xóm Pải, bộc bạch: Cả xóm có đến 19 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Thêm nữa, nếu xây được nhà văn hóa, việc mua trang thiết bị, trang trí khánh tiết cũng "ngốn" thêm vài chục triệu đồng, rất khó với bà con.

Toàn xã Phượng Tiến hiện chỉ có 1/8 xóm có nhà văn hoá đạt chuẩn (xóm Tổ) vì được nhận nguồn hỗ trợ của Hàn Quốc, còn lại 7 xóm vẫn đang sử dụng nhà văn hoá cũ. Hiện nay, mỗi khi có hoạt động cộng đồng, người dân các xóm này tự khắc phục tạm thời bằng cách căng bạt, ngồi tràn ra sân nhà văn hoá.

Theo lãnh đạo UBND xã Phượng Tiến, mỗi nhà văn hoá hoàn thiện và đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân cần đầu tư trên 500 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với một xã còn nhiều khó khăn như Phượng Tiến và sẽ rất khó huy động. Trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn đang tiếp tục đối ứng để xây dựng hệ thống kênh mương, đường giao thông, đường nội đồng…

Còn tại Linh Thông, một trong ba xã đặc biệt khó khăn còn lại của huyện Định Hoá, dự kiến năm 2023, địa phương này sẽ tập trung hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới. Hiện nay, xã đã sửa chữa, xây dựng mới 7/9 nhà văn hoá đạt chuẩn, còn 2 nhà văn hoá đang được triển khai và dự kiến hoàn thành trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Viết Viên, Chủ tịch UBND xã Linh Thông: Xã đang trong giai đoạn dồn lực về đích nông thôn mới nên người dân không chỉ đối ứng xây dựng nhà văn hoá, mà còn các công trình khác như đường giao thông, kênh mương… Mặc dù vậy, xác định người hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới chính là nhân dân nên hầu hết bà con vẫn ủng hộ, không chỉ là tiền đối ứng mà còn là hiến đất, tài sản, đóng góp ngày công lao động…

Dự kiến từ nay đến hết năm 2023, toàn huyện Định Hóa cần hoàn thành việc sửa chữa, xây dựng mới 36 nhà văn hoá đạt chuẩn, chủ yếu tập trung tại các xã đã hoàn thành về đích nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, như: Thanh Định, Phượng Tiến, Đồng Thịnh, Trung Hội…

Theo Nghị quyết của HĐND huyện Định Hoá về việc phân bổ ngân sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá các xóm, mỗi nhà văn hoá xây dựng mới sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng và toàn bộ xi măng. Còn đối với sửa chữa nhà văn hoá sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng và toàn bộ xi măng. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này mới chỉ đáp ứng được phần nào. Đặc biệt, ở các xóm vùng sâu, vùng xa, có mật độ dân cư thưa, số tiền đối ứng ở mức khá cao, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin và Truyền thông huyện Định Hóa, cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia để có thêm nguồn lực giúp đỡ nhân dân. Bên cạnh đó, huyện đang tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ địa phương trong xây dựng nông thôn mới.