“Truyền lửa” hát Then, đàn Tính

Thu Hà 08:08, 22/03/2023

Gần 80 tuổi đời, hơn 60 năm rèn luyện, nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật hát Then, đàn Tính, Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Hoàng Thị Bích Hồng không chỉ là “bảo tàng sống” lưu giữ văn hóa, mà còn là người “truyền lửa” cho thế hệ sau với 700 học trò đã được bà truyền dạy. Đến nay, lời hát Then, tiếng đàn Tính truyền thống của bà vẫn ngân vang theo thời gian…

NNND Hoàng Thị Bích Hồng (người ngồi thứ 4 từ trái sang) trình diễn hát Then, đàn tính trong một buổi giao lưu tại TP. Thái Nguyên.
NNND Hoàng Thị Bích Hồng (người ngồi giữa) trình diễn hát Then, đàn Tính trong một buổi giao lưu tại TP. Thái Nguyên.

NNND Hoàng Thị Bích Hồng kể rằng, bà cũng không nhớ được chính xác mình biết hát Then, đàn Tính từ lúc nào. Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở xã Phượng Tiến (Định Hóa), từ bé, bà thường theo bố mẹ đi xem và nghe thầy Then, thầy Pụt (Bụt) hát các điệu Then ở quê. Mỗi dịp như vậy, những giai điệu Then, thanh âm của đàn Tính cứ như mạch nước ngầm ngấm dần vào tâm hồn bà.

Yêu giai điệu Then và thanh âm của đàn Tính, ngày ngày bà Hồng tự tập hát. Lớn lên, khi tham gia hoạt động của đoàn thanh niên, bà mạnh dạn cùng cây đàn Tính tham gia các tiết mục văn nghệ. Với lòng đam mê hát Then, đàn Tính, bà đã dày công học hỏi từ các thầy Then tiền bối ở trong làng và các xã lân cận, như: Cụ Lương Văn Sáng (xã Kim Phượng), cụ Ma Văn Tài (xã Lam Vỹ)... về cách hát, lời bài hát, bài cúng, cách sử dụng đàn Tính…

Bà Hồng bào: Các thầy dạy Then mà tôi có cơ hội được học hỏi nay đều đã về với thiên cổ. Nhưng điều đáng trân trọng là lớp con cháu như tôi đã có may mắn lưu giữ được những làn điệu Then cổ, cách sử dụng đàn Tính của quê hương, dân tộc. Những làn điệu ấy đã được nối tiếp truyền dạy từ thế hệ cha ông đến thế hệ con cháu, như mạch nguồn chảy mãi không ngừng.

Tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, đến khi 17 tuổi, trở thành thiếu nữ xinh đẹp, hát hay, đàn giỏi, bà Hoàng Thị Bích Hồng được tuyển vào Đoàn văn công Khu tự trị Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc). Sau 34 năm cống hiến, đến năm 1989, bà nghỉ hưu. Nhưng với mong muốn được góp phần gìn giữ vốn quý của dân tộc, bà vẫn tiếp tục tìm đến với những người mê lời Then, tiếng đàn Tính ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương và TP. Thái Nguyên để truyền dạy cho lớp trẻ câu hát, tiếng đàn.

Năm 2007, Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính, hát Then tỉnh Thái Nguyên được thành lập và bà Hồng được bầu làm Chủ nhiệm. Ngoài việc truyền dạy, bà cùng các thành viên CLB đã dày công sưu tầm những bài Then cổ; đi nhiều nơi tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu Then và dân ca để tìm ra nét riêng của Then Thái Nguyên.

NNND Hoàng Thị Bích Hồng nhớ lại những ngày CLB mới thành lập trên cơ sở tự nguyện. Không có địa điểm sinh hoạt, các thành viên thường tập trung ở nhà bà tại tổ 10, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) để sinh hoạt. Bà nói: Niềm đam mê hát Then, đàn Tính và ước mong "truyền lửa" cho thế hệ sau đã giúp chúng tôi vượt lên trên mọi khó khăn để duy trì hoạt động của CLB.

Bà Hồng chia sẻ thêm: Đối với tôi, truyền dạy hát Then, đàn Tính là làm được một công việc quý giá, giống như khơi mạch ngầm con suối, hay trồng một rừng cây cho đàn chim về đậu. Vì vậy, tôi càng nỗ lực hơn để các bạn trẻ biết đến giá trị của hát Then, đàn Tính trong văn hóa dân tộc. Từ đó, các bạn sẽ nối tiếp giữ gìn để giá trị văn hóa này được lưu giữ mãi.

Tâm nguyện ấy đã tiếp sức giúp bà Hồng truyền dạy hát Then, đàn Tính được cho 700 học trò. Nhiều học trò của bà đã trở thành nghệ nhân ưu tú, có thể truyền dạy ở CLB và đạt được thành tích cao tại các liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc. Trong số đó, tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Xuyến, sinh năm 1960, quê ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2022, hay nhiều nghệ nhân nổi bật khác...

Với những cống hiến của mình, năm 2015, bà Hoàng Thị Bích Hồng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đến năm 2022, bà tiếp tục được phong tặng danh hiệu NNND trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể về trình diễn hát Then, đàn Tính.