Tiếng nói, trang phục truyền thống là những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, ở nhiều cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, những nét văn hóa này đang bị mai một và cần gấp rút có giải pháp để bảo tồn, phát huy.
Ở xóm Trung Thành 3, xã Vô Tranh (Phú Lương), chỉ duy nhất ông Lục Văn Thơm còn giữ được bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng, nhưng ông chỉ mặc khi về quê, thời gian còn lại đều cất kỹ trong tủ. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 DTTS cùng sinh sống, với 384.379 người (chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh). Đồng bào DTTS sinh sống ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, song tập trung nhiều ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ. Thông qua đời sống, sản xuất, sinh hoạt, đồng bào các DTTS đã tạo ra bức tranh đa màu sắc về văn hóa truyền thống, như trang phục, tiếng nói, chữ viết, lễ hội, nghi lễ...
Tuy nhiên, hiện nay, khi đến các khu dân cư vùng DTTS, rất khó để bắt gặp hình ảnh bà con mặc trang phục đặc trưng, hay giao tiếp bằng tiếng nói của họ.
Xóm Trung Thành 3, xã Vô Tranh (Phú Lương) hiện có 117 hộ dân, với 400 nhân khẩu. Trong đó có trên 60% là đồng bào dân tộc Nùng, còn lại là các dân tộc Thái, Tày, Sán Dìu, Sán Chay. Mặc dù chiếm số đông, nhưng những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây đang dần biến mất trong đời sống thường nhật.
Ông Lục Văn Thơm, sinh năm 1963, dân tộc Nùng, là người có uy tín ở xóm Trung Thành 3, trăn trở: Với những phong tục, nghi lễ mang ý nghĩa giáo dục đạo đức trong các gia đình, đồng bào cơ bản vẫn lưu giữ được, nhưng về trang phục, tiếng nói thì gần như không còn duy trì nữa. Các thế hệ con cháu người Nùng trong xóm hiện nay chỉ có thể nghe được một số từ trong sinh hoạt hàng ngày chứ không nói được. Còn về trang phục truyền thống thì gần như không được thế hệ trẻ biết đến.
Xóm Kim Long 1, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Xóm hiện có 68 hộ, với 268 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm gần 70%. Hầu hết những người cao tuổi ở đây vẫn nói và hát được những làn điệu Soọng Cô. Thế nhưng, về trang phục truyền thống của dân tộc Sán Dìu thì không ai còn lưu giữ được.
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng xóm Kim Long 1, cho biết: Không còn hộ đồng bào dân tộc Sán Dìu nào trong xóm có bộ trang phục truyền thống. Cũng bởi thế, mỗi khi có sự kiện lớn, hay đi giao lưu hát Soọng Cô, người dân đều phải đi thuê trang phục. Nhưng hầu hết những trang phục biểu diễn này chỉ mô phỏng lại, chứ không chuẩn xác là trang phục truyền thống của người Sán Dìu. Còn về tiếng nói cũng chỉ có các bậc cao niên còn lưu giữ, thế hệ trẻ bây giờ rất ít người có thể nói được, cháu nào khá cũng chỉ nghe và hiểu được khoảng 30-40%
Theo những người trong cuộc, điều kiện kinh tế - xã hội đã tác động đến lối sống, thói quen sinh hoạt của người dân, khiến các nét văn hóa truyền thống dần bị mai một. Thêm nữa, đồng bào DTTS sinh sống rải rác, không tập trung và có nhiều dân tộc cùng sinh sống trong một khu dân cư, nên ngôn ngữ của dân tộc mình ít khi được sử dụng để giao tiếp; sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ đã làm thay đổi nhận thức của giới trẻ...
Mặc dù thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn, tuy nhiên ở nhiều địa phương, vấn đề này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Do vậy, để những nét văn hóa của đồng bào các DTTS không bị mai một rồi dần dần biến mất, những người trăn trở với vấn đề này cho rằng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp hơn nữa, như: Hỗ trợ khôi phục lại trang phục truyền thống; xây dựng môi trường sinh hoạt mang tính cộng đồng tại các vùng đồng bào DTTS, mở các lớp dạy viết, dạy nói tiếng dân tộc cho những người trẻ...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin