Anh Quê phố tôi

Truyện ngắn của Hồ Thủy Giang 11:18, 16/04/2023

Cái phố nhỏ của chúng tôi không có ngôi biệt thự sang trọng nào, lại nằm khuất tận cuối đô thị nhưng đứng về mặt tiếng tăm thì không thể “đùa” được. Ở đó có đến năm ông đại tá về hưu, bốn vị tiến sĩ, hai giáo sư, hai nghệ sĩ ưu tú, một nhà giáo nhân dân…

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

        So với các vị vừa điểm ở trên, tôi chỉ là một kẻ vô danh, lại thuộc hàng hậu sinh. Nhưng vì là phóng viên của tờ báo tỉnh nên tôi luôn ngầm tự giao phó cho mình một nhiệm vụ là sẽ dần dần giới thiệu các tên tuổi lớn ở cái phố nhỏ của tôi lên báo là những người tốt việc tốt.

       Trong công tác báo chí, tôi thường phản đối quan niệm của nhiều đồng nghiệp cứ hay tìm đề tài ở tận đâu đâu chứ không bao giờ chịu để mắt tới những người xung quanh mình. Quan niệm sai lầm ấy dễ dẫn đến sự bỏ sót những điểm sáng ở chính nơi mình đang sinh sống, cũng có nghĩa sẽ làm mất đi hơi thở của đời thường. Nhận thức đúng đắn như vậy, nên chỉ trong vòng một năm tôi đã viết được đến năm, sáu bài thuộc thể tài “người tốt việc tốt” về những người cùng phố. Sau những bài viết, cái phố nhỏ của tôi nổi tiếng khắp thành phố, trở thành những tấm gương điển hình để mọi người học tập.

       Nhưng cái phố nhỏ của tôi, giống như nhiều ngõ phố khác, cũng không thiếu gì những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn đáng để mọi người quan tâm giúp đỡ. Phố tôi cũng có vài trường hợp như vậy. Tiêu biểu nhất là gia đình anh Quê. Anh Quê lưng gù gập, người nhỏ thó. Vợ anh Quê thọt chân lại thường xuyên đau yếu. Hai đứa con trai của anh chị đang tuổi ăn tuổi lớn. Vợ chồng anh Quê quanh năm ngày tháng đánh vật với chiếc xe ba gác ở chợ ga để kiếm sống. Ấy là tôi thường nghe vợ tôi kể lại chứ thực ra với chức phận phóng viên suốt ngày, suốt đêm theo các sự kiện, tin tức, tôi làm sao có thể biết được tỉ mỉ mọi chuyện diễn ra ở cái phố nhỏ này. Tôi dặn vợ cũng nên giúp đỡ gia đình anh chị ấy chút đỉnh.

                                                              * * *

       Dạo này thấy tôi không viết về những tấm gương điển hình ở ngõ phố tôi đang cư trú bởi ở cái phố nhỏ của tôi không còn gì để viết thêm nữa, Tổng Biên tập có vẻ hơi tiếc nhưng cũng cho là phải.

     Lại nói về chuyện anh Quê, một lần vợ tôi bảo:

     - Này, cái nhà anh Quê ấy thế mà “sĩ” ra trò đấy nhé.

     Tôi ngạc nhiên:

     - Sĩ thế nào?

     - Hôm họp tổ dân phố, mọi người có ý kêu gọi ủng hộ để từ thiện cho những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trong khối phố. Ai cũng nhất trí đưa gia đình anh Quê vào diện cần được giúp đỡ, thế mà anh ấy khăng khăng từ chối, nói rằng vợ chồng anh vẫn kiếm đủ tiền để nuôi con ăn học.

      Tôi bảo với vợ, như vậy không phải là sĩ diện mà là tự trọng.

      Vợ tôi gật gù xem chừng cũng tin lời tôi.

                                                           * * *

              Bỗng một hôm vợ tôi bảo:

       - Này, có khi anh viết một bài ca ngợi vợ chồng anh Quê được đấy.

       Tôi giảng giải:

       - Anh Quê có thể có nhiều cố gắng, nhưng viết về anh ấy theo dạng người tốt việc tốt sao được. Anh ta đâu có thành tích gì nổi trội. Cùng lắm cũng chỉ có thể đưa vào diện người nghèo vượt khó thôi.

       Vợ tôi thở dài:

       - Vâng! Em cũng biết vậy, nhưng thỉnh thoảng nhìn thấy anh Quê mồ hôi mướt mát, cong người đẩy chiếc xe ba gác mà thấy thương quá.

       Tôi cười:

      - Lòng thương cảm và gương người tốt việc tốt là hai khái niệm khác nhau đấy cô giáo dạy Văn ạ.

      Bẵng đi một thời gian, vợ tôi lại bảo:

      - Anh ạ! Cả hai đứa con nhà anh Quê đã thi đỗ vào đại học đấy, lại là đại học quốc gia ở Hà Nội.

     Tôi reo lên vì vui lây. Vợ chồng anh quả là những người đáng khâm phục. Xã hội bây giờ có những gia đình giầu sang ngất trời, tiền của như nước mà con cái có ra gì đâu. Tôi dặn vợ đừng quên việc sang chúc mừng gia đình anh.

                                                             * * *

       Nhưng rồi cái may không đến với gia đình anh Quê mãi.

       Hôm tôi đi công tác miền núi về, lời đầu tiên vợ tôi thông báo là một tin buồn đứt ruột: Vợ chồng anh Quê đã mất vì một tai nạn giao thông khi anh chị đang chở hàng trên đường. Tôi sững người. Buồn thay, có lẽ nào Thượng đế lại vô tâm giáng đòn xuống đầu những người thiệt thòi khốn khổ.

       Tuy không họ hàng thân thích với vợ chồng anh Quê, nhưng vợ chồng tôi buồn mất cả tuần liền. Việc duy nhất tôi có thể làm để giúp anh Quê trong lúc này là bàn với ông tổ trưởng dân phố nên tìm cách tạo ra một suất tiền để trợ cấp cho mấy đứa con của vợ chồng anh Quê ăn học ngoài Hà Nội.

      Nhưng ít ngày sau, vợ tôi nói với tôi bằng vẻ mặt vừa buồn buồn vừa nghiêm trọng:

     - Trước khi hai đứa con anh Quê lên Hà Nội học, ông tổ trưởng dân phố nói với chúng là đã có được một nguồn kinh phí hỗ trợ cho mỗi đứa năm trăm nghìn đồng hàng tháng để giúp chúng học hành. Anh có biết chúng trả lời ông tổ dân phố thế nào không?

     Tôi nóng ruột:

     - Trả lời ra sao?

     - Chúng bảo, chúng cháu vô cùng cảm kích trước tấm lòng cao cả của các bác trong ngõ phố, nhưng xin các bác dành số tiền ấy cho những bạn còn khó khăn hơn. Những ngày đầu ra học ở Hà Nội, chúng cháu đã tìm được việc làm thêm nên chi tiêu cũng tạm đủ ạ.

     Tôi sửng sốt:

     - Thật thế hả em?

     - Vâng! Chúng còn bảo, các cô, các bác hãy tin vào chúng nó. Chúng không bao giờ làm ô danh cái mảnh đất đầm ấm và nhiều tiếng thơm như cái phố nhỏ của mình.

Nghe vợ nói, tôi ngồi lặng người đi. Anh Quê! Người cùng ngõ phố mà tôi chẳng hiểu gì về anh cả. Hóa ra vợ chồng anh đâu chỉ là những con người biết vượt lên gian khổ. Họ đã dâng hiến cho đời những đứa con, những công dân tròn đầy cả về tâm hồn lẫn thể xác. Điều họ làm không phải bậc cha mẹ nào cũng làm nổi, kể cả những người tên tuổi.

Đêm hôm ấy, bỏ dở một bài phóng sự, tôi quyết thực hiện bằng xong bài viết về vợ chồng anh Quê. Lần đầu tiên tôi viết bài “người tốt việc tốt”-  mà vừa đánh máy vừa rơi nước mắt. Tổng Biên tập quyết định cho đăng bài về thể tài này trên trang nhất.

Hôm báo ra, tôi lặng lẽ mang một tờ lên sân thượng đốt theo kiểu hóa vàng. Một làn khói nhè nhẹ, âm thầm bay lên trời cao.