Thời lai bạch thủy

Truyện ngắn của Hữu Minh 16:48, 05/03/2023

Ông Toàn lấy làm lạ về việc nhận được phong thư hồi trưa nay. Thư thì do cháu Bẩy, công chức văn hoá xã, người cùng xóm đưa về. Ngoài phong bì ghi rõ: Con trai Nguyễn Tính, gửi bố Nguyễn Toàn… Tính làm trên huyện đoàn, điện thoại, Zalo, tin nhắn với ông suốt, sao phải vẽ chuyện thư với cả từ. Ông Toàn nghĩ thế và ném phong thư lên nóc tủ, xuống nhà dưới cơm trưa rồi tranh thủ chợp mắt nơi ông mắc chiếc võng đay…

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Thằng Tính là con trai cả của ông bà Toàn. Nó học phổ thông làng nhàng nên năm đó chẳng vào được trường đại học nào. May thay có trường trung cấp y trên tỉnh tuyển sinh hệ y tá cao cấp hay gì đó na ná vậy, thế là Tính đi. Việc Tính thoát ly học hành, người vui nhất lại là ông nội nó. Hôm Tính có giấy gọi nhập trường cụ vui lắm. Ngót bảy mươi nhưng cụ chưa lẫn. Hồi nhỏ, do đế quốc sài lang thực hiện chính sách ngu dân, cụ chẳng được học. Bù lại cụ lắng nghe và ghi nhớ nên cụ biết nhiều tích, nhiều chuyện lắm. Cụ hỏi ông Toàn:

-Học gì, trường gì?

Ở với cụ quen tính, ông Toàn nghĩ một hồi rồi trả lời cụ:

-Cháu Tính học trường thuốc bố ạ.

Quý hoá, quý hoá quá, hồng phúc, hồng phúc… ông cụ vui ra mặt, lẩm bẩm mãi câu đó.

Tính mải chơi, đua đòi nên học hành lỗ mỗ. Hơn chục tháng sau, tốt nghiệp trung bình non, nhưng non thế chứ non nữa vẫn cứ là y tá đa khoa, hay điều dưỡng viên là một cách gọi khác. Tính cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp về đưa ông Toàn và mặc cả với ông:

-Con xả hơi và đi du lịch nửa năm rồi tính. Bố mẹ chuẩn bị cho con đôi trăm triệu, sau đi làm Nhà nước, có tiền trả, vô tư.

Cái bệnh viện huyện đầy người nhà ông Toàn, cao nhất là ông Xuân, bệnh viện phó, con trai chú ruột ông Toàn, còn lãnh đạo khoa, phòng thì nhiều. Thành thử Tính chẳng những được nhận làm mà chọn chỗ nào cũng được… Tính làm chưa được một năm thì xảy ra chuyện…

Ông Xuân về làng, sang nhà ông Toàn cứ bô bô chuyện thằng Tính suýt nữa gây án mạng. Nó là điều dưỡng viên gì mà đến nỗi truyền nhầm cả nhóm máu cho bệnh nhân. Xuân nói với ông Toàn:

-Trong nhà, em nói thật, cháu Tính không làm nghề y được đâu. Nó xong cái tại chức, thành bác sĩ dễ giết người lắm. Cụ ông nghe được cả, cụ buồn xa xót. Tối, cụ bảo con dâu, tức là mẹ thằng Tính, mổ cho con gà mái ghẹ, cho gọi chú Xuân sang uống rượu. Vào mâm cụ nói luôn:

-Chuyện cháu Tính, chiều tôi đã nghe. Nhưng tôi vẫn đồ rằng, đích tôn nhà mình gặp lúc vận bĩ. Chú cứ thu xếp cho ổn thoả, quan trọng là đừng để làng nước biết. Ông Toàn và Xuân chẳng hiểu cụ cố nói vậy là sao? Cụ cố thủng thẳng:

-Xưa có ông Biển Thước làm nghề thày lang bốc thuốc trị bệnh cứu người. Có điều cụ lấy chữ phúc, chữ tâm làm đầu, không lấy tiền bạc làm trọng. Làng bên có con mẹ chê chồng, lại lăng loàn, nhân chồng cảm, đến thì thào xin ông cho thuốc cho uống để chết đi, nó lấy chồng mới. Ông bảo ông làm thuốc chỉ cứu người chứ không hại người. Con mẹ lăng loàn cứ lèo nhèo mãi. Bực mình và cũng cho xong chuyện, ông bốc hoài sơn dặn mổ con gà nhép, hầm cho chồng mày ăn!... Nó chạy về nhà làm y lời dặn, hầm xong múc ra chiếc bát yêu, để lên bàn chờ nguội. Trên trần có con rết chúa nhả độc rơi ngay vào bát hoài sâm hầm gà. Anh chồng ăn vừa xong thì lăn đùng ra chết. Con vợ mừng quá mang bạc nén, vàng thoi sang ông lang cảm ơn. Nó về, ông lẩm bẩm: Vận bĩ rồi. Ông chua chát cầm cả trùm chìa khoá tủ thuốc ném xuống sông sau nhà… Kể đến đấy, cụ cố bảo: Đúng là “Vận bĩ hoài sơn lăng chí tử” chúng mày ạ. Chứ đích tôn nhà mình nó giỏi giang thế, mà biết đâu có người hại nó không chừng?

Thế là Tính chuyển sang làm bên cơ quan đoàn thanh niên. Tính được bên đoàn thanh niên đánh công văn xin người nên bên bệnh viện không xử lý kỷ luật người chuyển cơ quan cho mang cái tiếng hẹp hòi. Nó vốn có vài tài lẻ nên phát huy rất nhanh, đặc biệt món văn nghệ, rồi mạng, cả nhẩy nữa. Để cho bố mẹ và ông nội phấn khởi, Tính tham gia học đại học y chuyên tu, thạc sĩ kinh tế… làm đến chức Bí thư Huyện đoàn.

Trời về chiều, ông Toàn sực nhớ phong thư của con trai để trên nóc tủ, bèn lấy xuống mở ra đọc. Thư Tính viết ngắn, có 3 dòng. Bố! Bí thư Huyện uỷ bảo tới đây luân chuyển con sang phụ trách lĩnh vực y tế, thay cho chú Thanh nghỉ hưu. Tổ chức bảo con đủ bằng cấp và có nghề. Con chấp hành. Bố nói với ông nội hộ con. Tái bút, con gửi thư cho mọi người khỏi nhòm ngó.

Cụ cố năm nay vào tuổi ngoài tám mươi, cũng yếu nhiều. Được tin đích tôn vừa báo, cụ bật dậy khỏi giường, cả mừng. Cụ cho đòi con dâu lên nhà trên, dặn lo mâm cơm tươm tất để tối uống rượu mừng đích tôn. Chú Xuân lên đến giám đốc bệnh viện, vài năm rồi nghỉ hưu về quê sinh sống nên là người có mặt sớm. Tính đi xe biển trắng cùng vợ con về sau một chút.

Rót cho mỗi người chén rượu, cụ cố đề nghị nâng cốc chúc mừng đích tôn về với nghề, chức tước đầy mình. Rồi cụ thủng thẳng kể tiếp chuyện ngày xưa:

-Vài năm sau, một tối có thằng bố cu, quẫn bách do vợ nó thai ngược, trở dạ mà không đẻ được, chết mất, đến cầu xin ông giúp. Ông Biển Thước bỏ nghề, tự thề với mình không bao giờ làm thuốc, nên nhất mực chối từ. Bố cu phủ phục ngoài rèm van nài mãi, ông cụ dứt khoát không bắt nhời. Cụ gọi to gia nhân cho xin cốc nước lọc. Bố cu tưởng cụ bảo cho vợ nước, sướng quá băng đồng chạy về nhà. Nó hắt cả chậu nước lạnh lên mặt sản phụ. Đang nóng gặp lạnh đột ngột, sản phụ oằn người, cái thai sổ ra… Sáng hôm sau, bố cu kéo vó bè được chú chép to, hăm hở xách đến biếu ân nhân. Gia nhân mổ cá thì thấy trong ruột có chùm chìa khoá nên báo cụ lang. Cả mừng khi thấy chùm chìa khoá tủ thuốc của mình, cụ thốt lên. Giời ạ! “Thời lai bạch thủy gã khôi sinh” là đây. Cụ Biển Thước trở lại với nghề như sứ mệnh phải thế.”

Ông Toàn nhớ lại hôm thằng Tính gặp rủi, cụ cố đọc một nửa: “Vận bĩ hoài sơn lăng chí tử…”. Hôm nay thằng Tính gặp vận sáng, cụ cố đọc “Thời lai bạch thuỷ gã khôi sinh” (gặp vận đen, củ hoài sơn /củ mài nấu cháo gà ăn vẫn chết. Gặp khi vận sáng, nước lã vẫn cứu được người).