Mỏ Chè với phong trào xây dựng gia đình văn hóa

Phạm Ngọc Chuẩn 08:32, 10/04/2023

Gần 99% gia đình văn hóa là một con số ấn tượng mà nhân dân phường Mỏ Chè (TP. Sông Công) đạt được trong nhiều năm gần đây. Ông Trần Bách, công chức văn hóa xã hội phường, tự hào nói: Ở phường Mỏ Chè, việc tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là mục tiêu phấn đấu của đại bộ phận người dân. Vì đó là cái gốc nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, giáo dục nếp sống lành mạnh để mỗi người trở thành công dân tốt của xã hội.

Gia đình ông bà Dương Minh Huệ - Nguyễn Thị Thắng là một gia đình mẫu mực trong phong trào Xây dựng gia đình văn hóa ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công).
Gia đình ông bà Dương Minh Huệ - Nguyễn Thị Thắng là một gia đình mẫu mực trong phong trào Xây dựng gia đình văn hóa ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công).

Trung tuần tháng 3, cùng các địa phương trên toàn tỉnh, phường Mỏ Chè tổ chức triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến toàn dân. Bộ tiêu chí bao gồm các nội dung chính: Tiêu chí ứng xử chung; ứng xử của vợ, chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em. Trước đó, Bộ tiêu chí ứng xử đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thí điểm tại các tổ dân phố số 3, số 10 và tổ dân phố An Châu, với 300 hộ tham gia.

Chia sẻ với chúng tôi về việc đăng ký tham gia thực hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, ông Nguyễn Hồng Phúc, tổ dân phố 3, cho biết: Bà con trong phường sống hòa thuận, mọi gia đình có tôn ti trật tự, nhưng Bộ tiêu chí ứng xử này được triển khai đến toàn dân, cũng giống như việc cơ quan chức năng nhà nước trang bị cho từng người dân một cẩm nang về lối sống, cách ứng xử phù hợp trong gia đình. Đó cũng là giải pháp hiệu quả đưa phong trào Xây dựng gia đình văn hóa lên một tầm cao mới, chất lượng hơn.  

Phường Mỏ Chè có 12 tổ dân phố, với hơn 1.900 hộ. Từ lâu, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa được ví như nguồn nước trong lành thẩm thấu vào đời sống tinh thần của người dân. Nhất là mới đây, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai rộng rãi, nhân dân toàn phường đón nhận, chia sẻ với nhau và vận dụng hiệu quả hơn các phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Gia đình, dòng họ hiếu học”…

Chị Kiềng Thị Thúy, tổ dân phố 10, tâm đắc nói: Từ xưa các cụ đã dạy “Bát đũa còn có lúc xô”, vợ chồng nhường nhịn, hơn - thua gì câu nói. Còn bà Trần Thị Thắng, tổ dân phố An Châu, cho biết: Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng chung sống. Nhưng không bao giờ xảy ra to tiếng, con trẻ biết yêu thương ông bà, cha mẹ; ông bà, cha mẹ luôn tôn trọng con trẻ, giáo dục con trẻ biết lối sống lễ phép, quý trọng người thân và mọi người trong xã hội.

Theo bà Dương Thị Quyến, Phó Chủ tịch UBND phường Mỏ Chè: Các gia đình văn hóa tiêu biểu không chỉ là tấm gương sáng, đi đầu trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc mà, còn là nhân tố lan tỏa năng lượng tích cực trong việc bảo vệ, gìn giữ những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ. Đó chính là cách tạo dựng cho gia đình trở thành một “pháo đài” hạnh phúc, các tệ nạn xã hội bất khả xâm phạm.

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, nhưng đại đa số cư dân phường Mỏ Chè không bị “ô nhiễm” những thói hư, tật xấu từ góc khuất cơ chế thị trường. Bởi một nguyên nhân giản đơn: Từng gia đình, dòng họ có lối sống lành mạnh, biết duy trì, thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ, trao truyền thuần phong mỹ tục tốt đẹp; đồng thời biết chọn lọc, tiếp thu văn hóa tinh hoa của xã hội hiện đại để vận dụng trong ứng xử gia đình phù hợp, nên đã tạo được mối liên kết bền vững giữa các thế hệ trong cùng một gia đình, dòng họ. Đó chính là tấm lá chắn vô hình, nhưng đủ mạnh để bảo vệ các thành viên trong gia đình không bị “vấp ngã”, tự tin xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng xã hội văn minh.