Văn hóa đọc thời công nghệ số

Ngọc Chuẩn 09:24, 21/04/2023

Công nghệ số làm xã hội thay đổi nhanh chóng, trong đó có văn hóa đọc. Ít năm trước, những người ham đọc có sách gối đầu giường, nhưng ngày nay bạn đọc có thể kết nối với cả thế giới bên ngoài bằng chiếc điện thoại thông minh. Ở đó có một thư viện khổng lồ chứa đựng ngàn vạn đầu sách, chỉ cần một cú nhắp chuột là có ngay sách ta cần. Tiện ích của sách số, sách công nghệ, sách online hay còn gọi là sách điện tử, bạn mê sách có thể đọc ở bất cứ chỗ nào.

Trẻ em cần được người lớn truyền cảm hứng đọc sách.
Trẻ em cần được người lớn truyền cảm hứng đọc sách (ảnh mang tính chất minh họa).

Nhiều học giả phàn nàn: Lớp trẻ ngày nay lười đọc, thậm chí có một bộ phận trong giới trẻ không đọc. Họ không quan tâm đến mọi sự xung quanh mà chỉ miệt mài trước màn hình máy vi tính, hoặc điện thoại thông minh. Tôi lại nghĩ: Điều này chỉ đúng một phần nhỏ. Bởi các bạn trẻ cũng như nhiều người làm chủ công nghệ đang tìm kiếm thông tin trên các trang mạng. Nhiều bạn trẻ thời nay còn tìm đọc sách bản gốc bằng tiếng nước ngoài, tránh được hiện tượng “tam sao thất bản”.

Sách được ví như người thầy, người bạn tâm giao. Lời người xưa dạy đến nay còn nguyên giá trị. Nhất là với đội ngũ trí thức, việc đọc sách hằng ngày là cách tốt nhất để tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo, đồng thời là cách giải trí, thư giãn đầu óc. Người ham đọc sách cũng là cách tự bồi bổ cho tâm hồn mình được phong phú hơn; khi giao tiếp, làm việc có liên quan đến văn bản thì diễn dạt cũng mạch lạc, trôi chảy hơn. 

Tiện ích nhà mạng cung cấp nhanh chóng tạo cho đa số người đọc thói quen truy cập, tìm kiếm thông tin trên mạng internet. Đây là một nguyên nhân làm bạn đọc thay đổi cách đọc truyền thống, ít đọc sách, báo bản in giấy truyền thống mà chuyển sang đọc sách, báo điện tử. Hơn nữa, qua mạng internet, người tiếp nhận thông tin có thể đọc, nghe, xem hình ảnh… 

Đặc biệt là kho sách điện tử được thực hiện linh hoạt. Ví như một bộ tiểu thuyết in giấy dày hàng nghìn trang, kéo dài 5 đến 10 tập, bản in điện tử có nhiều cách chuyển tải đến bạn đọc, in đầy đủ toàn bộ nội dung, rút gọn nội dung hoặc in tóm tắt dăm ba trang song đầy đủ nội dung chính. Đương nhiên sự đọc cũng mỗi người một sở thích. Có người thích nghiền ngẫm từng câu chữ, người khác chỉ cần nắm bắt cốt truyện. 

Thời đại số, hiếm gặp nhân sĩ, học sinh, sinh viên ngồi một chỗ lật mở từng trang sách để đọc. Nhưng đọc sách, báo in giấy hay sách, báo điện tử cũng là đọc sách, đọc báo. 

Từ xác định rõ việc thay đổi cách đọc là một xu hướng tất yếu của xã hội số, nên những năm gần đây, Thư viện tỉnh Thái Nguyên tích cực tham gia các hoạt động chuyển đổi số, trong đó có việc triển khai xây dựng hệ thống thư viện điện tử, thư viện số. Theo đó, hệ thống máy chủ phục vụ thư viện điện tử; máy trạm kết nối mạng nội bộ phục vụ “Thư viện điện tử tích hợp” được đầu tư nâng cấp. Trong thực hiện nhiệm vụ, Thư viện tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động khơi dậy cho bạn đọc niềm đam mê với sách, tình yêu sách thông qua các hoạt động ý nghĩa, như: Tổ chức Hội báo Xuân, phòng đọc báo xuân, ngày sách và văn hóa đọc, thi “Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Thái Nguyên”, thi kể chuyện theo sách; tặng thẻ bạn đọc... 

Trong năm 2022, Thư viện tỉnh đã phục vụ gần 36.000 lượt bạn đọc; thực hiện luân chuyển hơn 71.000 lượt sách báo; xây dựng 5 thư viện cơ sở và phục vụ hơn 1.300 lượt bạn đọc đến tìm hiểu, học tập, tra cứu thông tin tại phòng Internet. Trang web của Thư viện tỉnh có gần 156.000 lượt truy cập. 

Thời đại của công nghệ số, của truyền thông đa phương tiện, bạn đọc có thể tìm đến với sách, báo in truyền thống, hoặc tìm đến với sách, báo điện tử. Đó là quyền được tự do lựa chọn, là sở thích cá nhân, đồng thời là xu hướng phát triển thích ứng với xã hội số. 

Thiết nghĩ: Đọc sách ở loại hình nào cũng là đọc, là học. Sách, báo điện tử hay sách, báo in truyền thống đều là thầy, là bạn tri âm, tri kỷ. Quan trọng ở bản thân mỗi người là tự biết sàng lọc, lựa chọn sách để đọc, để tìm kiếm, trang bị, bồi bổ thêm cho bản thân mình những kiến thức, kỹ năng sống lành mạnh, không bị lạc lối vào “mê hồn trận” của “sách rác, sách đen, sách bẩn” mà cả sách in giấy hay sách điện tử đều có.