Khu vực tái định cư để bố trí cho các hộ dân ở trên là hơn 9ha ở phía Bắc Hương Sơ (thành phố Huế), trong khi khu đất bố trí các cơ quan quốc phòng sau khi di dời có diện tích hơn 23ha.
Những khu tái định cư ở phường Hương Sơ, thành phố Huế, của dự án có tỷ lệ xây dựng nhà của người dân rất cao. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN) |
Chiều 21-8, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố Đô Huế.”
Từ năm 2023-2025 (giai đoạn 2, điều chỉnh, mở rộng), tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng đối với khoảng 1.287 hộ dân (489 hộ chính và 798 hộ phụ) ở 19 khu vực di tích, gồm Hổ Quyền, Voi Ré, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Võ Miếu, Đàn Nam Giao, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Dục Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Khải Định, Lăng Gia Long, Lăng Trường Cơ, Lăng Cơ Thánh, Điện Hòn Chén, Trấn Hải Thành, Lăng Vạn Vạn, Đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám. Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.
Dự kiến, khu vực tái định cư để bố trí cho các hộ dân ở trên là hơn 9 ha ở phía Bắc Hương Sơ (thành phố Huế) với tổng mức đầu tư gần 163 tỷ đồng. Khu đất bố trí các cơ quan quốc phòng sau khi di dời có diện tích hơn 23ha, tổng mức đầu tư trên 191 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư giai đoạn 2 dự kiến từ ngân sách Trung ương là chính, còn lại từ ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, giai đoạn 1 (2019-2023), địa phương đã triển khai cơ bản việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực với khoảng hơn 5.000 hộ dân ở Thượng Thành, các Eo Bầu, Hộ Thành Hào và Tuyến Phòng Lộ, Trấn Bình Đài, Hồ Tịnh Tâm, Đàn Xã Tắc, các tuyến đường tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ tại Thượng Thư Đường Bộ Công.
Tỉnh hoàn thành xây dựng 10 khu tái định cư với tổng diện tích gần 83ha để bố trí, sắp xếp chỗ ở mới cho các hộ dân phải di dời theo quy định và đang triển khai công tác dọn dẹp, hoàn trả mặt bằng các điểm di tích trên.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Quần thể di tích Cô đô Huế là di tích cấp quốc gia đặc biệt, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Thừa Thiên - Huế vinh dự đang thực hiện nhiệm vụ quốc gia để quản lý, gìn giữ, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo các di tích đặc biệt quan trọng thuộc quần thể di tích này. Việc tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2 để di dời các hộ dân còn lại trong khu vực Kinh thành và các khu vực di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế nằm ngoài hệ thống Kinh thành là cần thiết.
Trước đó, ngày 18/4/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 137/TBVPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó có nội dung việc mở rộng phạm vi Đề án để di dời các hộ dân tại các khu vực thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài Kinh thành Huế và áp dụng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Kết luận khẳng định, việc tiếp tục di dời các hộ dân còn lại tại khu vực di tích là cần thiết, để sớm quy hoạch, bảo tồn và phát huy hệ thống di tích Cố đô Huế; giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với các bộ, ngành liên quan để mở rộng, điều chỉnh đề án, xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiệu quả, khả thi và đúng quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin