Văn hóa xếp hàng

Việt Dũng 11:08, 20/08/2023

Nhiều việc bận rộn, thời gian có hạn... là những lý lẽ thường được đưa ra để bao biện cho việc chen ngang khi xếp hàng. Việc xếp hàng tưởng chừng như rất đơn giản nhưng có một số người dường như chưa quen với văn hoá này.

Xếp hàng có thể hiểu một cách đơn giản đó là việc giữ trật tự theo hàng lối, số thứ tự ở nơi đông người, người đến trước đứng trước, người đến sau đứng sau.

Văn hóa xếp hàng được xem như biểu hiện của trật tự xã hội có kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh người dân chen lấn, xô đẩy nơi công cộng.

Ở nước ta thời bao cấp, văn hóa xếp hàng đã được hình thành và gần như là một quy định cho toàn xã hội phải thực hiện. Người dân muốn mua bất cứ thứ gì từ những nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu… đều phải xếp hàng.

Người ta sẵn sàng xếp hàng từ hai, ba giờ sáng để đợi cho đến lượt mình mua các nhu yếu phẩm ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Xã hội lúc đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng văn hoá xếp hàng lại được coi trọng, người dân thực hiện nghiêm túc. 

Ngày nay, việc xếp hàng được giáo dục ngay từ bậc học mầm non rồi đến các cấp học cao hơn. Nhưng nhiều người khi trưởng thành lại quên mất văn hóa xếp hàng, dẫn đến những hình ảnh lộn xộn mà bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp ở những quán ăn, cửa hàng mua sắm, bến xe…

Đơn cử như hình ảnh vô cùng xấu xí mà chúng tôi bắt gặp tại một cơ sở bán bánh mì có tiếng trong tỉnh. Nhiều người vừa xuống xe, không cần biết ai là người đến trước mà chen chân tiến thẳng tới chỗ người bán hàng, không cần để ý đến những khách hàng xung quanh. Để việc bán hàng được thuận lợi, chủ cơ sở dã phải chăng dây, nhắc nhở… nhưng tình trạng chen lấn, lộn xộn vẫn diễn ra.

Hay như tại một siêu thị lớn trên địa bàn TP. Thái Nguyên, ở thời điểm chúng tôi có mặt, mặc dù chỉ có khoảng 5 khách hàng thanh toán nhưng có người vẫn cố tình chen lên phía trước để "tiết kiệm vài phút".

Hình ảnh chen lấn còn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta khi tham gia giao thông. Có những đoạn đường tắc cứng, nhưng nhiều người đi sau vẫn cố "ngoi" lên vượt người đi trước, khiến việc giải phóng nút tắc rất khó khăn và mất nhiều thời gian.Thậm chí, một số người tham gia giao thông còn luồn lách, chen lấn lên cả lề đường, vỉa hè dành cho người đi bộ...

Hiện nay, tại hầu hết siêu thị, trung tâm thương mại, sân bay... đều thực hiện việc chăng dây, kẻ đường, treo biển chỉ dẫn để mọi người đi theo hàng lối, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của mỗi người. 


Từ khóa:

Văn hoá xếp hàng