Từ ngàn xưa, trong những ngày Tết cổ truyền, người Việt Nam thường đi chúc Tết người thân, bạn bè. Đây đã trở thành nét đẹp riêng có trong truyền thống văn hóa người Việt. Với những câu chúc tốt đẹp, mang ý nghĩa đem đến an lành, may mắn cho nhau trong năm mới, chúc Tết là một điểm nhấn trong các hoạt động đón Tết Nguyên đán.
Đầu năm là dịp để con cháu quây quần chúc Tết ông bà, cha mẹ, bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với thệ hệ trước. |
Sáng mùng 1 Tết, “cô công chúa nhỏ” Hoàng Ngọc Châu – con gái chị Nguyễn Thị Thái Hà, ở tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), tự giác dậy sớm hơn thường lệ, đánh răng, rửa mặt, thay bộ váy xòe màu đỏ tươi đã chuẩn bị từ tối hôm trước, rồi chạy xuống nhà gọi:
- Mẹ ơi, đi chúc Tết ông bà thôi! Mùng 1 mình phải đến sớm để chúc ông bà năm mới khỏe mạnh!
Đang loay hoay với mâm cơm sáng, chị Hà mừng rỡ nhận ra con đã khôn lớn, hiểu được truyền thống ngày Tết của dân tộc và đạo lý dù có đi đâu, làm gì, nhưng việc đến chúc Tết ông bà, bố mẹ phải được đặt lên trước tiên. Nhìn cô con gái nhỏ líu lo tập dượt lời chúc Tết ông bà, chị Hà suy nghĩ: Có lẽ vì năm nào, sáng mồng 1 Tết Nguyên đán, việc đầu tiên của cả gia đình là sang chúc Tết ông bà, rồi đi chúc một vài gia đình họ hàng, bạn bè nên điều này đã in vào tâm trí con trẻ.
Người xưa có câu “Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy”. Qua bao đời, đây đã trở thành truyền thống, được lưu giữ đến tận ngày nay. Anh Nguyễn Anh Tuấn, ở tổ 8, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), cho hay: Quanh năm bận rộn với vòng quay cơm - áo - gạo tiền, ít có điều kiện thăm hỏi nhau, Tết chính là cơ hội để mọi người gặp gỡ, sum họp, chuyện trò, hỏi han, trao nhau niềm vui, nụ cười và không thể thiếu là những câu chúc tụng.
Có vô số lời chúc tốt đẹp được sử dụng trong ngày Tết, tùy vào từng đối tượng mà người chúc sẽ áp dụng câu chúc phù hợp. Người già thường nhận lời chúc sức khỏe, sống lâu trăm tuổi; trẻ em thì hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi; người làm công chức thường được chúc công tác tốt, công danh toại nguyện; người kinh doanh lại nhận được câu "Làm ăn có lộc, buôn may bán đắt"... Và đi kèm với những lời chúc Tết không thể thiếu những bao lì xì. Ý nghĩa của việc lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền, mà quan trọng là ở thông điệp đem bình an, tài lộc, may mắn đến với mọi người.
Xã hội hiện đại, tư tưởng con người cũng đổi khác, không còn cứng nhắc trong quan điểm "mâm cao cỗ đầy", mỗi người có thể chọn cho mình cách đón Tết khác nhau: Người thì đi du lịch, lễ chùa; người lại tụ tập ăn uống; có người dành thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng những ngày an nhàn...
Nhưng, dù là cách đón Tết nào thì việc chúc Tết người thân, bạn bè vẫn được duy trì. Có thể là đến chúc Tết người thân sớm hơn, muộn hơn tùy theo điều kiện, nhưng đây là hoạt động nhất định không thể thiếu trong những ngày đầu năm.
Trong thời đại 4.0, việc chúc Tết bạn bè, đồng nghiệp cũng được “số hóa”, thay vì đến nhà chúc Tết như trước thì có thể gọi điện, nhắn tin, thông qua Zalo, Facebook... để chuyển những lời chúc ý nghĩa nhất đến mọi người. Và dù với cách thức nào, việc chúc Tết vẫn vẹn nguyên ý nghĩa nhằm thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, bày tỏ tình cảm với người thân, bạn bè, là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại chuyện đã qua, tình cảm cũng nhờ đó thêm phần gắn bó hơn...
“Đầu năm lấy hên bằng câu kính chúc Chúc ông, chúc bà sống khỏe, sống lâu Lộc phước an khang con cháu hiếu thảo Chúc bác, chúc cô tràn dư hạnh phúc Chúc cậu, chúc dì ngập phúc an khang Chúc chị, chúc anh một năm an lành Chúc các em nhỏ ăn nhanh chóng lớn...” |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin