Người trẻ "làm mới" Tết truyền thống

Bảo Trân 07:49, 10/02/2024
Mùa Xuân vừa gõ cửa. Không khí năm mới tràn về với mỗi góc phố, nẻo đường và ấm áp, hạnh phúc trong mỗi gia đình. Tết vẫn thế, mang giá trị truyền thống, những nét đẹp riêng tạo thành bản sắc văn hóa của dân tộc mà không ngày lễ nào trong năm có thể thay thế được. Khác chăng là mỗi người, nhất giới trẻ hiện đại, lại có một cách khởi đầu năm mới rất riêng, tạo nên những điều mới mẻ và một hành trình đón Xuân nhiều cảm xúc.
 
Nhiều bạn trẻ lựa chọn trở về đón Tết bên gia đình sau một năm tất bật với công việc.
Nhiều bạn trẻ trở về đón Tết bên gia đình sau một năm tất bật với công việc.

Lưu giữ văn hóa cổ truyền

Trong tâm thức của người Việt, Tết là đoàn viên, sum vầy. Bởi vậy mà dù đang làm việc cách nửa vòng trái đất, Tết Nguyên đán năm nay, Nguyễn Hồng Thái bay từ Mỹ về đón Tết bên gia đình sau hơn 2 năm xa cách. Thái bày tỏ: Mình đã dành hết số ngày nghỉ phép của 2 năm qua để được về đón Tết bên bố mẹ. Tết này, mình không còn phải video call đón Tết cùng gia đình nữa, mà sẽ được quây quần cùng bố mẹ xem pháo hoa, đón Giao thừa.

Với nhiều bạn trẻ, Tết cổ truyền vẫn luôn được bảo tồn và phát huy qua những phong tục như: đi viếng mộ tổ tiên, gói bánh chưng, trang hoàng nhà cửa, cúng Giao thừa, xông nhà, đi chúc Tết... Nguyễn Xuân Khánh, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Năm nào cũng vậy, vào ngày 28 Tết, cả nhà mình cùng về quê đón Tết với ông bà nội. Với mình, cảm giác cả gia đình quây quần quét dọn nhà cửa cũng là dọn dẹp đi những bộn bề, buồn vui của năm cũ.

Còn bạn Nguyễn Thị Hòa, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), nói: Ngày mùng 1 Tết năm nào mình cũng cùng bố mẹ đi lễ chùa cầu may mắn, bình an. Năm nay dù đã lập gia đình riêng nhưng mình vẫn sẽ duy trì thói quen này cho gia đình nhỏ để “giữ lửa” Tết truyền thống.

Tết đến, Xuân về cũng là lúc những tà áo dài tung bay trên khắp các ngõ phố, nẻo đường. Người trẻ ngày nay tự hào diện lên mình những bộ trang phục truyền thống, chụp ảnh, lưu giữ lại khoảnh khắc xuân. Bạn Nguyễn Cẩm Vân, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), bộc bạch: Chợ hoa Tết hay rất nhiều địa điểm được trang trí “concept” Tết xưa với các phụ kiện chủ như: hoa đào, hoa mai, câu đối, bánh chưng, cây rơm, góc bếp, họa tiết chăn con công... luôn thu hút mình. Những ngày Tết xưa cũ được tái hiện sinh động giữa cuộc sống hiện đại vừa là cách bọn mình lưu giữ truyền thống, vừa tận hưởng không khí Xuân theo cách rất riêng của người trẻ.

Đầu năm đi lễ chùa cũng là một cách để người trẻ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.
Đầu năm đi lễ chùa cũng là một cách để người trẻ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Đón năm mới kiểu “gen Z”

Tết thời 4.0, người trẻ vẫn trân quý những giá trị cổ truyền nhưng lại hướng nhiều hơn đến sự tối giản, không cầu kỳ lễ nghi để tập trung vào những giá trị tinh thần. Đồng thời chú trọng nghỉ ngơi, tận hưởng thời gian nhàn tản sau một năm bận rộn với "cơm - áo - gạo - tiền".

Cũng bởi vậy mà vài năm gần đây, xu hướng tranh thủ kỳ nghỉ Tết để đi chơi xa cũng ngày càng trở nên phổ biến. Bạn Nguyễn Hồng Phượng, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Ngày đầu năm mới, "thức dậy ở một nơi xa” là cách để bạn tách mình khỏi cuộc sống bận rộn và tìm cho bản thân những cảm xúc, năng lượng và tinh thần mới. 

Người trẻ hiện đại, không ngại đổi thay. Vẫn giữ linh hồn là tinh thần Tết cổ truyền nhưng họ không ngại bước qua những khuôn khổ truyền thống, những “lối mòn” của Tết cũ để phù hợp với thời đại mới, nhịp sống mới. Là một công dân "thời đại số", chị Lê Thị Phương Thảo, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), chia sẻ cách bản thân sắm sửa, chuẩn bị cho những ngày đầu năm mới khác so với cha mẹ mình trước kia. Chị Thảo bảo: Ngày trước, cứ ngoài 20 Tết là mẹ mình phải dậy sớm để đi chợ, chen chúc hàng giờ liền để mua sắm. Còn nay, mình chỉ việc ngồi nhà, lướt mạng Internet là đã có thể mua đủ mọi thứ, sau đó thanh toán online. Vừa tiết kiệm được thời gian, sức lực, có khi còn săn được “deal, voucher” khuyến mãi mua hàng siêu hời.

Sống trong kỷ nguyên 4.0, người trẻ không thể thiếu smartphone và mạng xã hội. Facebook, Zalo, Instagram "nhuộm đỏ" sắc thái Tết với những hoạt động: đi chợ, dọn nhà, ngắm pháo hoa, chúc Tết, lễ chùa... Mỗi hoạt động dịp Tết đều được các bạn trẻ hào hứng chia sẻ đến bạn bè, người thân. Những câu chúc năm mới, những cánh thiệp Xuân, phong bao lì xì online cũng được lan tỏa trên mạng xã hội để gửi đi những thông điệp về một năm mới tốt lành, hạnh phúc, may mắn, thịnh vượng.

Dù cách đón Tết qua mỗi thời có thể thay đổi nhưng phong tục Tết Việt lại không hề đổi thay. Bởi vậy, giới trẻ Thái Nguyên hôm nay, dù chọn cho mình những cách đón Tết khác nhau, nhưng vẫn kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để tạo nên không khí đón Xuân ấm áp, vui vẻ bên gia đình, bạn bè. Những người trẻ vẫn từng ngày nỗ lực để "đánh thức” giá trị Tết cổ truyền theo cách của riêng mình.