Ở Thái Nguyên, Ty Thông tin Tuyên truyền được thành lập sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Lúc này, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ty còn ít, là nơi tập hợp những trí thức thanh niên ở TX. Thái Nguyên. Họ làm nhiệm vụ kẻ vẽ, căng treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các chương trình tuyên truyền miệng, phát hành Báo Cứu quốc và các tài liệu tuyên truyền, động viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động cách mạng, “chống giặc đói”, “chống giặc dốt”, xây dựng cuộc sống mới; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Thực hiện lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thái Nguyên tiến hành “tiêu thổ kháng chiến”, phá các quốc lộ, nhà cửa; đánh sập cầu cống, làm bình địa cả một TX. Thái Nguyên trù phú. Trong những tấm ảnh chụp TX. Thái Nguyên “tiêu thổ kháng chiến” với những mảng tường ít ỏi còn sót lại, vẫn còn những khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Thái Nguyên nằm trong vùng An toàn khu Trung ương (ATK) với vùng Điềm Mặc, Phú Đình (Định Hóa) là trung tâm, đặt các cơ quan đầu não kháng chiến, nơi Hồ Chủ tịch, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quân đội đặt bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Các cơ quan tuyên truyền của Trung ương trong thời gian này chủ yếu đóng quân trên địa bàn Thái Nguyên. Những năm 1948-1949, cơ quan Bộ Truyền thông và Cổ động làm việc ở xóm Đồng Măng, xã Yên Lãng; Hội Văn nghệ kháng chiến ở xóm Chòi, xã Yên Mỹ (Mỹ Yên); Nhà in Hoàng Hữu Nam (in báo và in tiền cho Chính phủ) ở xã Yên Lãng (Đại Từ).
Nà Mòn, xã Lục Rã (Phú Đình), là nơi đặt cơ quan Báo Sự thật của Đảng; xóm Cây Hồng, xã Quy Kỳ, là nơi đặt cơ sở in Báo Nhân Dân; Bản Vẹ, xã Định Biên, là nơi đặt trụ sở Báo Vệ Quốc quân; xã Bộc Nhiêu là nơi đặt trụ sở Báo Quân du kích (năm 1950, hợp nhất với Báo Vệ quốc quân thành Báo Quân đội nhân dân). Xưởng in của Quân đội được đặt trong những cánh rừng ở Thanh Định, Bình Thành (Định Hóa).
Hoạt động xuất bản, phát hành tài liệu, báo chí, sách ở Thái Nguyên trong những năm kháng chiến đã mang lại cho mảnh đất này những loại hình hoạt động văn hóa thông tin mới; sống động, tác động sâu sắc đến người dân địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin