Giáo dục Thái Nguyên sau Cách mạng Tháng Tám

L.H 18:34, 25/02/2024

Sau Cách mạng Tháng Tám, thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc tích cực chống “giặc đói”, tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng chống “giặc dốt”. Các địa phương trong tỉnh đều mở lớp xóa nạn mù chữ. Người biết chữ dạy cho người không biết chữ, người già, người trẻ đều đến lớp học i tờ. Số đông người dân Thái Nguyên nhờ những lớp học này mà biết đọc, biết viết.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, thị xã Thái Nguyên, trong đó có trường kiêm bị con trai và trường kiêm bị con gái, bị san phẳng theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”. Để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, được sự đồng ý của Nha Trung học vụ (thuộc Bộ Giáo dục), Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên đã ký quyết định thành lập Trường Trung học Lương Ngọc Quyến, có một lớp đệ nhất khoảng 40 học sinh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên còn thành lập Trường cấp II Ngô Quyền. Năm 1953, Trường cấp II Ngô Quyền nhập vào trường cấp II-III Lương Ngọc Quyến ở xã Tân Cương, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc TP. Thái Nguyên).

Tính đến năm học 1946-1947, Thái Nguyên có 97 trường, lớp với 3.812 học sinh. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là nơi một số trường của Trung ương, của Quân đội ở và làm việc.

Sau ngày hòa bình lập lại, sự nghiệp giáo dục của Thái Nguyên bước vào giai đoạn phát triển mới. Đến năm 1957, Thái Nguyên có gần 15.000 người trong độ tuổi đi học được xóa xong nạn mù chữ, hơn 16.000 người tham gia học tập trong các lớp dự bị bình dân, 47.000 người theo học bổ túc văn hóa, 15.774 học sinh phổ thông các cấp.

Năm học 1964-1965, toàn tỉnh có 158 trường cấp I, 40 trường cấp II, 6 trường cấp III với tổng số 53.741 học sinh phổ thông các cấp. Đến năm 1966, Thái Nguyên là tỉnh miền núi đầu tiên trong cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ. Tháng 11-2002, Thái Nguyên đã hoàn thành phổ cập bậc tiểu học đúng độ tuổi và đến năm 2004, toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

Giáo dục phổ thông đã phát triển đến tận bản, làng xa xôi. Ngành Giáo dục có chủ trương xây dựng ở mỗi xã, phường có ít nhất một trường tiểu học, 1 trường THCS, những vùng khó khăn, ngoài trường chính còn có thêm phân trường hoặc lớp tiểu học, tổ chức dạy lớp ghép với nội dung 2 đến 3 chương trình.

Bên cạnh đó, công tác vận động trẻ thất học trở lại lớp, không bỏ học giữa chừng đã góp phần đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh thứ 11 trong cả nước đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.

Có thể khẳng định, sau Cách mạng Tháng Tám, sự nghiệp giáo dục của Thái Nguyên đã có bước phát triển vững chắc.