Giá trị văn hóa dân tộc sán dìu ở Thái Nguyên: Không để thời gian khỏa lấp

H.Đ 08:17, 23/06/2024

Chúng tôi cùng ông Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh tham gia buổi giao lưu hát Soọng cô của các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên). Đắm hồn trong điệu nhạc lời ca, bao mệt nhọc, muộn phiền như tan biến và chúng tôi hiểu, đồng bào dân tộc Sán Dìu đã, đang cố gắng lưu giữ “hồn cốt” văn hóa dân tộc mình, quyết không để mai một theo thời gian.

Các hội viên Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh tham gia giao lưu 
hát Soọng cô.
Các hội viên Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh tham gia giao lưu hát Soọng cô.

Ông Trần Bình Dưỡng cho biết: Với mỗi tộc người, đều có những làn điệu hát để thể hiện tâm tư, tình cảm của mình trong từng hoàn cảnh cụ thể. Người Sán Dìu cũng vậy. Soọng cô là một thể loại hát ví đối đáp gắn liền với sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Dìu từ bao đời nay. Lời ca và giai điệu của Soọng cô mềm mại, nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng đầy sức lan tỏa, làm mê đắm lòng người. Tùy trong từng hoàn cảnh mà Soọng cô được diễn xướng theo các cách hát khác nhau. Người Sán Dìu có hát ru con, hát tìm hiểu nhau, hát tỏ tình, hát trong đám cưới… Tất cả các điệu hát này đều được gọi chung là hát Soọng cô. Bởi những giá trị tinh thần vô giá đó, nên những người con dân tộc Sán Dìu như chúng tôi tự thấy bản thân phải có trách nhiệm lưu truyền cho đời sau.

Xuất phát từ suy nghĩ đó của những người có tâm huyết lưu giữ văn hóa đồng bào dân tộc Sán Dìu và được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, năm 2021, Hội Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh đã được thành thành lập, đặt trụ sở tại xóm Thanh Trà 1, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên). Ngày mới đi vào hoạt động, Hội gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí…. Đến nay, những khó khăn dần được khắc phục, tháo gỡ, Hội đã thu hút được hơn 700 hội viên. Người cao tuổi nhất đã ngoài 80. Hội thành lập được 22 câu lạc bộ ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, trong đó, huyện Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên có số lượng câu lạc bộ nhiều nhất.

Ông Dưỡng chia sẻ thêm: Với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa từ ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, trong mọi sinh hoạt đời thường hay các dịp lễ, Tết, tân gia, tân thổ…, chúng tôi đều cơ bản nói với nhau bằng tiếng dân tộc mình, mặc trang phục truyền thống, hát Soọng cô, ăn các món ẩm thực của người Sán Dìu…

Bà Trương Thị Sinh, thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Các hội viên Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh tham gia giao lưu hát Soọng cô. Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) tâm sự: Tôi mê hát Soọng cô từ thủa nhỏ và được bà, mẹ truyền dạy cho. Nay đến tuổi “thất thập” vẫn say mê hát vì từng lời ca, giai điệu như thấm sâu vào máu thịt. Mỗi khi cất lời ca, tôi thấy tâm hồn mình thư thái, thoải mái, vui vẻ. Tôi có thể hát bất kỳ lúc nào… Câu lạc bộ là môi trường tốt để tôi thể hiện bản thân và có cơ hội học hỏi, giao lưu với những người cùng chung sở thích.

Để hoạt động của Hội ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu, chỉ tính riêng năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Hội đã tổ chức được gần 10 lớp tập huấn, truyền dạy về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu, trong đó có truyền dạy tiếng hát Soọng cô, chữ viết, cách may trang phục… cho hơn 1.000 lượt hội viên; tổ chức hàng chục buổi giao lưu hát Soọng cô giữa các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh. Hội thường xuyên duy trì phong trào vận động “Người Sán Dìu nói tiếng Sán Dìu” và truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho thế hệ trẻ. Hội phối hợp với các địa phương trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các câu lạc bộ tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu, tổ chức sinh hoạt định kỳ thường xuyên, đều dặn, đi vào nền nếp và có sức lan tỏa…

Ngoài ra, các câu lạc bộ còn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt tham gia tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền của, công sức cùng với Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh; hỗ trợ con, cháu phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng…

Với những cố gắng, nỗ lực của Ban Chấp hành Hội và toàn thể hội viên, các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu đã được thống nhất, lưu giữ và ngày càng phát huy giá trị. Hiện nay, dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên có 2 di sản văn hóa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, bao gồm: hát Soọng cô của huyện Đồng Hỷ và Lễ Cấp sắc của xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) và xã Bàn Đạt (Phú Bình). “Thời gian tới, chúng tôi mong muốn ngành chức năng tiếp tục xem xét, đề nghị Nhà nước công nhận hát Soọng cô và lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu ở các địa phương còn lại trong tỉnh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.”- Ông Trần Bình Dưỡng bày tỏ.

Trước khi chia tay, tiếng hát lại ngân vang: “Nhớ anh lắm lắm anh ơi/ Nhớ đêm không ngủ nhớ ngày không ăn/ Nhớ anh cơm chẳng buồn ăn/Hai bên tay áo ướt đầm như mưa”. (Bài Tóong lóong cô (nhớ anh, nhớ nàng).