Khi tôi bảo muốn viết bài, chị ngại ngần: Nhiều người xứng đáng lên báo hơn tôi, tôi chỉ là người đàn bà nấu cỗ, làm thơ và viết truyện. Chị là Tiết Thị Minh Hà, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ lục bát TP. Thái Nguyên, người vừa được nhận giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2023 của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tiểu thuyết “Vòng xoáy kiếp người”.
Chị Tiết Thị Minh Hà (bên phải) tại Lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2023 của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. |
Nấu cỗ là nghề
Sau vài lần hẹn, tôi mới gặp được chị Tiết Thị Minh Hà, bởi chị bận tham gia các chương trình của tổ dân phố. Bên chén trà chiều, chị “vẽ” lại bức tranh đời mình khiến tôi cảm phục. Sinh năm 1962, cầm tinh con hổ, hình như phụ nữ tuổi Dần cuộc đời hay gặp sóng gió, và chị cũng là một quý cô tuổi Dần nhiều sóng gió như thế. Sinh ra và lớn lên ở phường Quan Triều (TP. Thái Nguyên), học hết cấp 3, chị đi làm công nhân ở Công ty thuốc lá Bắc Thái. Năm 1985, chị lập gia đình và năm 1986 theo chồng về sinh sống ở Đồng Hỷ. Lương thấp, chắt chiu 2 năm, chị làm căn nhà cấp bốn để che nắng, che mưa thì chồng mắc nghiện, cuộc sống ngày càng khó khăn. Năm 1989, Công ty thuốc lá Bắc Thái giải thể, mất việc nên chị làm đủ nghề để mưu sinh. Có người chị dâu làm đầu bếp cho một nhà hàng gần Trường Đại học Y - Dược, nên chị Hà xin được đi cùng để phụ nấu ăn.
Trong quá trình phụ bếp, chị “ngấm” cách chế biến món ăn lúc nào không biết. Sau một thời gian, chị chuyển sang nấu chính cho một quán ăn trên đường Lương Ngọc Quyến. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi, nhưng mâu thuẫn gia đình không thể dung hòa khiến chị quyết định ly hôn vào năm 2001. Người đàn bà tuổi Dần đưa hai đứa con (đứa lớn 15 tuổi, đứa bé chưa tròn 9 tuổi) về lại đất Quan Triều thuê nhà ở và bán hàng ăn chín ở chợ. Từng làm đầu bếp nên các món ăn của chị Hà hút khách. Hàng ăn thu nhập cũng đủ cho chị trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng biến cố lại ập đến khi con chị trót dại vướng vào vòng lao lý năm 2003. Chị “sốc”, sức khỏe kém nên ra chợ “buổi đực, buổi cái”.
Nhưng chính những hôm bỏ chợ nằm nhà, chị suy nghĩ rất nhiều và không cho phép mình gục ngã. Chị vực dậy, tiếp tục nấu cỗ, duy trì cuộc sống gia đình, động viên con làm lại cuộc đời. Không biết tại “trời thương”, hay những món ăn của chị đã tạo dấu ấn trong lòng thực khách mà hàng ăn của chị sau một thời gian vắng bóng, khi trở lại vẫn được nhiều người tìm đến mua và đặt nấu. Khách đặt cỗ đông, chị bỏ bán ngoài chợ về nấu cỗ tại nhà. Ban đầu, chị nấu một mình, nhưng làm không xuể nên đã kết nối với những người biết nấu ăn thành lập tổ nấu cỗ gồm 5 người, chị làm thợ chính.
Thực đơn cỗ phong phú, giá bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng nên người nọ mách người kia, không chỉ ở TP. Thái Nguyên mà nhiều khách hàng ở huyện Võ Nhai, Đại Từ, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công cũng đến đặt. Chị bảo: “Có lẽ nấu cỗ đã chọn mình, nên mình cũng phải tận tâm với nghề”. Bởi thế, đã ngoài 60 tuổi nhưng chị vẫn thường xuyên cập nhật các món ăn mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Thường xuyên học thêm kiến thức về nấu ăn để tư vấn cho gia chủ lên thực đơn, mua thực phẩm phù hợp. Với chị, ẩm thực cũng mang tính nghệ thuật nên thường tham gia các cuộc thi nấu ăn, thuyết trình về mâm cỗ mình nấu với mong muốn lan tỏa nghệ thuật ẩm thực tới mọi người.
Văn chương là nghiệp
Nếu nấu cỗ là nghề chọn người thì văn chương là nghiệp vận vào Tiết Thị Minh Hà. Chị bảo, từ hồi đi học đã thích văn thơ, hay đọc truyện nhưng không nghĩ một ngày nào đó mình sẽ làm thơ và viết truyện. Nhưng rồi chính những bươn trải cuộc đời đã khiến chị muốn trải lòng bằng ngôn từ. Năm 2015, chị tham gia mạng xã hội, bắt đầu làm thơ và đăng trên facebook. Những vần thơ trút cạn tâm can đã khiến nhiều người đồng cảm, cổ vũ, động viên. Năm 2016, chị thành lập Câu lạc bộ (CLB) thơ Tình người Thái Nguyên để trao đổi về thơ, văn, CLB thu hút 5.000 người tham gia sinh hoạt. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã lấy mô hình này để hoạt động.
Với những đóng góp tích cực cho CLB thơ Tình người Thái Nguyên, năm 2018, chị được CLB thơ Việt Nam khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển CLB thơ Việt Nam. Cũng bởi yêu thơ nên chị tham gia CLB thơ lục bát của tỉnh để được gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ, người yêu thơ. Trên “đường đến với văn chương”, chị gặp Nhà văn Hồ Thủy Giang khi Nhà văn tổ chức dạy viết văn và chị đã đăng ký học và thực sự trưởng thành từ đó. Được trang bị kỹ năng sáng tác, chị thỏa sức trải lòng ở cả lĩnh vực thơ và văn.
Chị Tiết Thị Minh Hà trình bày mâm cỗ đoạt giải Đặc biệt trong Cuộc thi nấu ăn cho các cháu tại Trường Mầm non Sao Mai (TP. Thái Nguyên). |
Chị say mê sáng tác có rất nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn đăng trên báo, tạp chí Trung ương, địa phương và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi do Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh tổ chức như: giải Nhì Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” năm 2021; giải Tư Cuộc thi Bút ký - phóng sự năm 2021- 2023. Sau nhiều thời gian ấp ủ, năm 2022, chị trình làng tập thơ “Còn trong vành nón” và tiểu thuyết “Vòng xoáy kiếp người”. Có một điều đặc biệt là “Vòng xoáy kiếp người” in 1.000 cuốn, sách bán rất chạy nên nhà xuất bản đã mua lại của tác giả 18 cuốn cuối cùng để bán tiếp. “Vòng xoáy kiếp người” trở thành “hiện tượng” trên văn đàn Thái Nguyên.
Không chỉ dừng lại ở thơ và truyện, Tiết Thị Minh Hà còn sáng tác nhiều tiểu phẩm kịch tuyên truyền về An toàn giao thông phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Sáng tác nhiều tiểu phẩm kịch tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Mới đây nhất (tháng 5-2024), chị tự biên, tự diễn tiểu phẩm “Tắt lửa tối đèn” tham gia Hội thi Dân vận khéo phường Quan Triều, được Ban Tổ chức đánh giá cao và được chọn tham gia Hội thi Dân vận khéo cấp thành thành phố. Chị trải lòng: “Sau nhiều thăng trầm, cuộc sống của tôi giờ đã an yên, còn tình yêu văn chương vẫn đang tiếp nối”. Và tôi biết, người đàn bà nấu cỗ, làm thơ và viết truyện ấy đang lặng lẽ dâng mật ngọt cho đời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin